Tuy nhiên, cuộc thi năm nay đang vấp phải ý kiến phản đối của nhiều người hâm mộ, khi ban tổ chức đồng ý cho Israel có đại diện tham gia trong bối cảnh cuộc xung đột tại Dải Gaza vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Kể từ đầu năm nay, Liên minh Phát thanh châu Âu (EBU) - đơn vị giám sát Eurovision - cho biết đã nhận được một số kiến nghị yêu cầu loại Israel ra khỏi danh sách thi đấu. EBU cũng cho biết có nhiều người đã gửi lời đe dọa trực tiếp tới ca sĩ Eden Golan, đại diện của Israel.
EBU tuyên bố lên án mọi hình thức lạm dụng, sử dụng ngôn từ kích động thù địch hoặc quấy rối trực tuyến nhằm vào các nghệ sĩ hoặc bất kỳ cá nhân nào liên quan đến cuộc thi.
Các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine đã được lên kế hoạch cho suốt tuần diễn ra cuộc thi và dự kiến có hàng nghìn người tham dự.
Trong cuộc thi năm 2022, EBU đã loại các đài truyền hình Nga, viện dẫn cuộc xung đột tại Ukraine. Những người ủng hộ Palestine cho rằng EBU cần có động thái tương tự đối với Israel trong trường hợp này.
Các biện pháp an ninh được tăng cường do cảnh báo khủng bố gia tăng và lo ngại về khả năng gián đoạn cuộc thi. Cảnh sát Thụy Điển nhận được sự hỗ trợ từ các nước láng giềng như Na Uy và Đan Mạch để thắt chặt kiểm tra an ninh tại các địa điểm tập trung đông người.
Bất chấp những lo ngại về an ninh, ban tổ chức sự kiện vẫn nhấn mạnh việc tôn vinh âm nhạc với khẩu hiệu "United by Music" (tạm dịch: thống nhất bằng âm nhạc). Đặc biệt, cuộc thi năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm nhóm nhạc pop Thụy Điển nổi tiếng ABBA giành chiến thắng tại Eurovision với ca khúc “Waterloo”.
Cuộc thi Eurovision diễn ra lần đầu vào năm 1956 và trở thành một sự kiện âm nhạc quan trọng ở châu Âu từ đó đến nay. Eurovision 2023 được tổ chức tại Vương quốc Anh, do nước chiến thắng cuộc thi năm 2022 là Ukraine không thể đăng cai sự kiện.