Tranh chấp chủ quyền quần đảo Falklands/Malvinas leo thang

Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Falklands theo tên gọi của Anh và Argentina gọi là Malvinas lại leo thang sau khi Chính phủ Argentina tuyên bố sẽ phạt nặng, tịch thu thiết bị và xét xử các quan chức điều hành những công ty dầu mỏ hoạt động ở ngoài khơi quần đảo này.   

Bản đồ khu vực Falklands/Malvinas.


Phóng viên TTXVN tại London dẫn thông báo của Đại sứ quán Argentina tại Anh, cho biết Quốc hội Argentina vừa thông qua luật mới nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác dầu khí ở ngoài khơi quần đảo Malvinas, mà nước này cho là vi phạm các quyết định của Liên hợp quốc.

Theo đó, các công ty dầu khí có thể chịu mức phạt tương đương với giá trị 1,5 triệu thùng dầu, bị tịch thu thiết bị và lượng hydrocarbon khai thác trái phép, trong khi các quan chức điều hành những công ty này sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 15 năm. Ngoài ra, các cá nhân và công ty vi phạm sẽ bị cấm hoạt động ở Argentina.  

Trong thông báo, Đại sứ quán Argentina cũng khẳng định chính phủ nước này phản đối và bác bỏ tất cả các kế hoạch của Anh nhằm thúc đẩy và cho phép các hoạt động thăm dò và khai thác hydrocarbon ở khu vực thuộc thềm lục địa của Argentina. Các kế hoạch này đi ngược lại với Nghị quyết 31/49 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, yêu cầu Anh và Argentina không đưa ra các quyết định đơn phương dẫn đến việc thay đổi tình hình quần đảo trên trong khi tranh chấp chủ quyền giữa hai nước vẫn đang chờ được giải quyết.   

Phản ứng trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho rằng các hoạt động thăm dò và khai thác hydrocarbon của bất cứ công ty nào hoạt động trên thềm lục địa của quần đảo Falklands được quy định bởi luật pháp của chính quyền Falklands và phù hợp với Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc.

Các hoạt động như thế là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp, và Chính phủ Anh hoàn toàn ủng hộ quyền của người dân Falklands phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích kinh tế của họ. Theo người phát ngôn này, các bộ luật của Argentina không thể áp dụng được với quần đảo Falklands, South Georgia hay South Sandwich, vốn là lãnh thổ hải ngoại của Anh.   

Quần đảo Malvinas/Falklands nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650 km và cách Anh gần 8.000 km, với tổng diện tích khả thi cho khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2. Quần đảo này bị quân đội Anh chiếm từ năm 1833. Năm 1982, Argentina đã tấn công quân đồn trú của Anh và chiếm lại được quần đảo này trong 74 ngày, nhưng sau đó lại bị đánh bại. Cuộc xung đột vũ trang này đã cướp đi sinh mạng của 649 binh sĩ Argentina và 255 lính Anh.   


Bất đồng ngoại giao giữa Argentina và Anh gia tăng căng thẳng kể từ năm 2010, khi London cho phép tiến hành hoạt động thăm dò dầu mỏ tại vùng biển quanh quần đảo tranh chấp. Trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng Ba vừa qua, có tới 98% người dân tại đây bỏ phiếu ủng hộ giữ quy chế Malvinas/Falklands là một trong những vùng lãnh thổ của Anh ở hải ngoại.

Tuy nhiên, Argentina vẫn tiếp tục đưa tranh chấp về quần đảo này lên Liên hợp quốc. Đến nay, Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, tuy nhiên Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo trên Đại Tây Dương này.


TTXVN/Tin tức
Argentina, Tây Ban Nha phối hợp trong tranh chấp lãnh thổ với Anh
Argentina, Tây Ban Nha phối hợp trong tranh chấp lãnh thổ với Anh

Argentina và Tây Ban Nha ngày 26/9 đã thỏa thuận phối hợp hành động để yêu cầu Anh đàm phán về chủ quyền đối với quần đảo Malvinas tranh chấp với Argentina, và vùng lãnh thổ Gibraltar tranh chấp với Tây Ban Nha, theo các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN