Trong nghiên cứu công bố, nhóm chuyên gia đến từ Đại học Nam Australia (UniSA) phân tích các dữ liệu của hơn 600.000 người sinh tại Nam Australia từ năm 1986 đến năm 2017 để đánh giá nguy cơ tử vong với trẻ em từng phải đối mặt với những vấn đề chăm sóc và bảo hộ. Kết quả phân tích chỉ ra nhóm bé trai không nhận được sự chăm sóc và bảo hộ tốt có nguy cơ tử vong trước sinh nhật 16 tuổi cao hơn 4 lần so với các bạn đồng giới may mắn hơn trong khi chênh lệch ở nhóm bé gái là khoảng 3,4 lần.
Tác giả chính của báo cáo, Leonie Segal, cho rằng mức chênh lệch trên phản ánh mức độ đặc biệt nghiêm trọng của vấn đề. Theo bà Segal, khi đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng của các hậu quả, các bên liên quan cần nâng cao hiệu quả của các dịch vụ hỗ trợ trẻ em. Điều này đặc biệt cần thiết trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành vì hầu hết các gia đình đều phải đối mặt với nhiều áp lực hơn và nguy cơ xảy ra các vấn đề về bảo hộ trẻ em càng cao hơn.
Theo nghiên cứu trên, từ 20-50% trẻ em trên toàn cầu hiện chịu ảnh hưởng của tình trạng bị lạm dụng hoặc bỏ mặc, trong đó ở Australia, tỷ lệ này là 20-25%. Tuy nhiên, chuyên gia Segal nhận định các nghiên cứu trước đó đã chưa đánh giá đúng nguy cơ tử vong liên quan tình trạng ngược đãi ở trẻ em.
Theo thống kê chính thức, tổng số ca tử vong ở trẻ em tại bang Nam Australia ghi nhận từ năm 1986 là 1.635 ca và trong đó chỉ có 2 ca được cho là có liên quan tới hoàn cảnh gia đình. Cũng theo chuyên gia này, các dịch vụ hỗ trợ phải được thiết kế để theo sát các em ngay từ giai đoạn đầu đời và phù hợp với những hoàn cảnh có nguy cơ cao gồm nhóm trẻ em dễ chịu tổn thương và gia đình có khó khăn.