Chân trần lấm lem đất cát và mồ hôi, cậu bé Dante Campilan, 14 tuổi, cần mẫn nhổ cỏ dại trên những luống mía thẳng tắp. Đầu đội một chiếc mũ lưỡi trai to, màu đỏ để tránh cái nắng như thiêu đốt ở Philíppin, Dante đang làm công việc mà lẽ ra chỉ dành cho những người đàn ông khỏe mạnh chứ không phải những đứa trẻ đang tuổi đến trường.
Cậu bé Dante ngồi trên cánh đồng mía. Ảnh: Internet |
Dante kiếm được khoảng 3,5 USD cho mỗi ngày làm việc 7 tiếng. Cậu đã lao động trên cánh đồng mía ở Mindanao từ khi mới 7 tuổi, để giúp đỡ cha mẹ. Dante chỉ là một trong nhiều trẻ em tham gia vào hệ thống lao động trẻ em bất hợp pháp ở Philíppin.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính có khoảng 2,4 triệu lao động trẻ em ở Philíppin. Nhiều em làm việc trong các hầm mỏ và trên cánh đồng ở các khu vực nông thôn. Khoảng 60% trẻ em trong số đó phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm.
Cùng nhổ cỏ dại với Dante là cậu bé Alvic James, 13 tuổi. Em bỏ học từ năm lớp một vì gia đình không có đủ tiền mua thức ăn. Alvic muốn học đọc, học viết nhưng vì công việc trên cánh đồng lúc nào cũng bận rộn nên em không có thời gian dành cho sách vở.
Khi những cậu bé như Dante và Alvic đủ 15 hoặc 16 tuổi, các em sẽ chuyển sang công việc chặt mía mệt nhọc hơn. Đó là công việc mà cậu bé Elmar Paran 16 tuổi đang phải đảm nhiệm. Elmar không tới trường đã lâu và gắn tương lai mình trên cánh đồng mía.
Sử dụng lao động trẻ em ở các cánh đồng trồng mía tại Mindanao trở nên phổ biến đến mức bà chủ đồn điền mía Angeles Penda chối bỏ rằng bà đang lạm dụng trẻ em. Bà cho biết: “Bố mẹ chúng van xin chúng tôi cho chúng làm việc ở đây”.
Phần lớn đường sản xuất từ mía ở Mindanao sẽ được bán cho các quán cà phê, hộ gia đình hay siêu thị trên toàn thế giới. Bà Edith Villanueva, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức ngành mía đường, nói: “Chúng tôi không phủ nhận rằng lao động trẻ em có tồn tại trong ngành của chúng tôi. Các gia đình thường muốn con cái đi làm để có thêm thu nhập”.
Theo bà Villanueva, việc trả tiền công cho công nhân nhiều hơn để họ không bắt con cái đi làm tỏ ra không hiệu quả. Bà cho rằng các lao động này muốn các thành viên trong gia đình họ làm việc cùng nhau trên cánh đồng. Theo bà, giải pháp lâu dài là tăng cường giáo dục, đảm bảo quyền được đến trường và được vui chơi của trẻ em.
Vấn đề lao động trẻ em ở Mindanao công khai và tràn lan đến mức bà Villanueva cho biết, Tổ chức ngành mía đường và tập đoàn Coca-Cola đã chi tiền để xây một trường trung học 4 lớp dành cho các lao động trẻ em. Trường học sẽ mở cửa vào cuối tháng này. Coca-Cola là một trong những công ty mua đường lớn nhất trên thế giới và là một khách hàng lớn của các nhà máy mía đường ở Mindanao.
Trong một thông báo gửi cho hãng tin CNN, Coca-Cola cho biết họ không ủng hộ, khuyến khích hay đồng tình với bất kỳ hình thức lao động trẻ em nào trong toàn bộ mạng lưới cung cấp của họ. Theo Coca-Cola, họ đang tiến hành đánh giá hoạt động của mình để tuân thủ các chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em.
Tháng 9/2010, Coca-Cola cho biết đã liên kết với chính quyền địa phương, Tổ chức Lao động Quốc tế và khu vực tư nhân ở Philíppin để đưa trẻ em ra khỏi các cánh đồng mía với hi vọng loại bỏ tình trạng lao động trẻ em ở tỉnh Bukidon, phía bắc Mindanao.
Chính phủ Philíppin cũng đã cam kết giảm lao động trẻ em khoảng 75% từ nay tới năm 2015. Và lúc đó, Dante đã sang tuổi 17; rất có thể cậu sẽ phải làm công việc chặt mía trước khi tốt nghiệp trung học.
Thùy Dương