Bất chấp có nhiều quy định mới nhưng nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc ép con mình – những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non – phải đi học thêm để chuẩn bị vào trường tiểu học.
Nhiều trẻ em Trung Quốc có lịch học thêm dày đặc trước khi vào lớp 1. Ảnh: Internet |
Tại một trung tâm học thêm tư nhân điển hình ở thủ đô Bắc Kinh, phần lớn học sinh đều ở độ tuổi 5 và 6. Các em đều đã học ở đây được hơn 6 tháng. Theo lịch học, các em phải học ít nhất 4 giờ/ngày với nhiều môn như bàn tính, tiếng Trung, toán học... Khi được hỏi, có em còn không thể nhớ chính xác mình đang học bao nhiêu môn vì có quá nhiều. Một em kể: “Sáng nào cũng vậy, chúng cháu phải đọc thuộc lòng 3 bài thơ vì thế chúng cháu phải học đi học lại nhiều lần vào tối hôm trước. Chúng cháu rất mệt”.
Những trung tâm học thêm dành cho trẻ em mẫu giáo hiện rất phổ biến ở Trung Quốc. Phần lớn các trung tâm lúc nào cũng chật kín học sinh. Các bậc phụ huynh cho biết, họ đăng ký cho con theo học các lớp này vì họ muốn chuẩn bị cho con cái tốt hơn khi vào lớp 1.
Một bà mẹ nói: “Theo chương trình giảng dạy hiện nay của các trường tiểu học, học sinh chỉ được học tiếng Trung Quốc phổ thông trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, tôi nhớ hồi tôi còn học tiểu học, các giáo viên dành cả học kỳ để dạy chúng tôi. Vì thế tôi cho rằng học sinh ngày nay khó có thể làm quen với tiếng Trung Quốc phổ thông chỉ trong vòng một tháng”.
Một số phụ huynh còn cho biết có trường tiểu học yêu cầu học sinh hoàn thành 60 câu hỏi toán học trong vòng có 5 phút. Họ cho rằng nếu không được học thêm ngoài chương trình học ở mẫu giáo, học sinh khó lòng theo kịp chương trình khi vào tiểu học.
Ngoài ra, còn một lý do nữa mà phụ huynh gửi con em đến học thêm. Ông Lian Huangcen, một chuyên gia giáo dục mầm non, giải thích: “Đối với những em muốn vào học các trường tiểu học tốt, cách duy nhất là vượt qua vòng phỏng vấn và kỳ thi tuyển. Do đó, những em không có kiến thức rộng sẽ không thể vào được các trường tiểu học danh giá đó”.
Nói về tình trạng này, giáo sư Liu Yan thuộc trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho rằng đặt áp lực lên vai các em ở độ tuổi mầm non như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của các em. Ông cho biết, nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng trẻ em chỉ nhớ được những bài học nặng nề như thế từ lớp 2. Nhưng theo ông, trẻ em học lớp 3 mới có thể lĩnh hội tốt.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng cha mẹ nên chú ý nhiều hơn tới nuôi dưỡng hứng thú và thói quen học hành cho con cái hơn là tập trung dạy cho các con quá nhiều kiến thức nặng nề khi còn quá nhỏ.
Thùy Dương