Theo cơ quan Y tế Palestine, gần 4.300 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza, trong đó có hơn 1.500 trẻ em. Nhà tâm thần học Fadel Abu Heen tại Gaza cho biết: “Trẻ em đã bắt đầu phát triển các triệu chứng chấn thương nghiêm trọng như co giật, đái dầm, sợ hãi, hành vi hung hăng, lo lắng và bám chặt cha mẹ”.
Nhiều em nhỏ đã đến nơi trú ẩn tạm thời trong các trường học do Liên hợp quốc điều hành sau khi phải rời khỏi nhà với ít thức ăn hoặc nước sạch. Tuy nhiên, tình trạng thực tế tại các ngôi trường nơi có hơn 0.000 người đang tạm trú, đang trở nên tồi tệ hơn.
Đôi khi có đến 100 người ngủ trong mỗi lớp học. Điện nước khan hiếm khiến phòng tắm và nhà vệ sinh rất bẩn. Tuy nhiên, các trường học này vẫn chưa phải là nơi an toàn. Liên hợp quốc cho biết những địa điểm này đã bị tấn công.
Ông Abu Heen nhận định: “Thiếu địa điểm an toàn nào đã tạo cảm giác sợ hãi và kinh hoàng chung trong toàn bộ người dân với trẻ em chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Một số em phản ứng trực tiếp và thể hiện sợ hãi. Mặc dù chúng cần được can thiệp ngay lập tức nhưng các trường hợp này có thể còn chưa nghiêm trọng bằng những đứa trẻ kìm nén kinh hoàng và tổn thương trong lòng”.
Có đến 90 người tạm trú trong một ngôi nhà ở Khan Younis, phía Nam Gaza. Họ phải ngủ theo ca vì thiếu chỗ. Trong 90 người này có 30 trường hợp dưới 18 tuổi. Ông Ibrahim al-Agha đang trú ẩn trong ngôi nhà này, chia sẻ: “Khi có một vụ nổ hoặc bất kỳ mục tiêu nào bị bắn trúng gần đó, các em nhỏ luôn la hét, sợ hãi. Chúng tôi cố gắng trấn an những đứa trẻ nhỏ hơn, cố gắng nói với chúng rằng 'Đừng lo, chỉ là pháo hoa thôi'. Nhưng những đứa lớn hơn hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chúng sẽ cần rất nhiều hỗ trợ về mặt tinh thần sau khi cuộc chiến này kết thúc”.
Tuy nhiên, hệ thống y tế tại Gaza đã quá tải vì xung đột diễn ra trong tháng này. Hệ thống này đang gần bờ vực sụp đổ và các chuyên gia sức khỏe tâm thần từ lâu đã cảnh báo về những tổn thất khủng khiếp đã xảy ra với trẻ em. Một báo cáo năm 2022 của nhóm viện trợ Save the Children cho thấy sức khỏe tâm thần của trẻ em ở Gaza ở "mức thấp đáng báo động" sau 11 ngày giao tranh năm 2021, khiến một nửa số trẻ em ở Gaza cần được hỗ trợ.
Điều đáng chú ý là các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết ở Gaza không có hiện tượng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương bởi tình trạng này diễn ra liên tục, với xung đột vũ trang lặp đi lặp lại kéo dài gần hai thập kỷ.
Sáng sớm 21/10, sau khi cuộc không kích của Israel phá hủy một tòa nhà ở Gaza City, giết chết nhiều người, một nhóm trẻ em đứng theo dõi lực lượng cứu hộ bới đống đổ nát để tìm người sống sót và thi thể. Trong khi những người phụ nữ gần đó than khóc, bọn trẻ đứng nhìn, khuôn mặt chúng không biểu lộ cảm xúc.