Phát biểu họp báo, Thứ trưởng Y tế Enrique Tayag cho biết nhiều người sơ tán tại những cơ sở tạm trú ở tỉnh Albay đã bị ho, cảm lạnh và viêm họng và số người xuất hiện các triệu chứng này ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ông bác bỏ khả năng bùng phát dịch bệnh nhiễm trùng đường hô hấp tại các trung tâm sơ tán.
Nhà chức trách Indonesia đã sơ tán gần 19.000 cư dân trong vùng nguy hiểm trải dài 6 km dưới chân núi lửa Mayon, cách thủ đô Manila khoảng 500 km về phía Đông Nam, kể từ khi núi lửa này gia tăng hoạt động từ ngày 8/6.
Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines (PIVS) vẫn duy trì mức cảnh báo 3 trên thang cảnh báo gồm 5 cấp đối với núi lửa hoạt động mạnh nhất ở quốc gia Đông Nam Á này. Theo các nhà nghiên cứu, núi lửa hiện vẫn có nguy cơ phun trào dữ dội trong vài tuần hoặc thậm chí vài ngày tới.
Núi lửa Mayon phun trào lần gần đây nhất vào năm 2018 khiến trên 23.000 người từ 9 thành phố phải sơ tán.