Giám đốc điều hành Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Australia Dermot O'Gorman nhấn mạnh "Giờ Trái Đất" là phong trào "bình dân" lớn nhất thế giới, qua đó kêu gọi hành động chống lại biến đổi khí hậu.
Theo ông O'Gorman, "Giờ Trái Đất" nhằm khuyến khích hành động tiết kiệm năng lượng của từng cá nhân, và với hành động của hàng trăm triệu người khác trên thế giới, sự kiện này đã truyền đi thông điệp về ngăn chặn sự tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và bảo vệ hành tinh Xanh.
"Giờ Trái Đất" là sự kiện quốc tế do WWF khởi xướng và được tổ chức lần đầu tiên tại Australia vào năm 2006 với số người tham gia chỉ có 2 triệu người. Tuy nhiên, đến nay, chiến dịch này đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 7.000 thành phố tại 187 quốc gia với 2,2 tỷ người tham gia. Dù mang tính biểu tượng, chiến dịch "tắt đèn" này đã thúc đẩy thành công nhiều dự án xanh trong vòng 10 năm qua, như bảo tồn thiên nhiên tại quần đảo Galapagos và trồng hơn 17 triệu cây xanh tại Kazakhstan.
Dự kiến, sẽ có hàng triệu người dân trên 180 quốc gia sẽ cùng tắt đèn trong vòng 60 phút, từ 20h30 (giờ địa phương) trong sự kiện "Giờ Trái Đất" năm 2019. Không chỉ người dân trên thế giới, nhiều công ty, doanh nghiệp đã cam kết tham gia sự kiện này.
Tháp Eiffel (Pháp), Tòa nhà Empire State (New York, Mỹ), tòa tháp chọc trời Burj Khalifa (Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), và quần thể kiến trúc Acropolis (Athens, Hy Lạp) nằm trong số 24 tòa nhà cao tầng trên thế giới sẽ hưởng ứng chiến dịch "Giờ Trái Đất".
Theo báo cáo "Living Planet" của WWF công bố hồi tháng 10 năm ngoái, khoảng 60% tất cả loài động vật xương sống như chim, cá, lưỡng cư, bò sát và động vật có vú, đã biến mất do hoạt động của con người kể từ năm 1970 của thế kỷ trước.