Theo một báo cáo mới nhất của Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng, tính đến ngày 15/7, đã có gần 4,09 triệu trẻ em mắc COVID-19. Sau khi số ca mắc được báo cáo hàng tuần trong vài tháng qua đã giảm, quốc gia này lại bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm gia tăng trở lại trong tháng 7.
Chỉ trong một tuần (tính đến hết ngày 15/7), đã có trên 23.500 ca mắc COVID-19 là trẻ em. Tính tổng thể, trẻ em chiếm 14,2% tổng số ca mắc COVID-19 trong cả nước. Theo báo cáo trên, trẻ em chiếm từ 1,3 đến 3,6% tổng số ca nhập viện và 0 đến 0,26% tổng số ca tử vong do COVID-19.
Các số liệu của AAP cho rằng mặc dù cho đến thời điểm này, có vẻ như các ca nặng do COVID-19 là rất hiếm gặp ở trẻ em, song vẫn rất cần phải thu thập thêm dữ liệu về các tác động lâu dài hơn của đại dịch với đối tượng này, bao gồm cả những cách mà virus có thể gây hại đến sức khỏe thể chất lâu dài của những trẻ em nhiễm bệnh, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc.
Trong khi đó, theo một báo cáo của hãng tin CNN, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ cuối tháng 6 vừa qua. Trong khi các ca lây nhiễm mới chủ yếu xảy ra ở nhóm đối tượng người trưởng thành chưa tiêm phòng vaccine, nhiều trẻ em - trong đó đa số chưa đủ điều kiện để được tiêm phòng - bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng trẻ em sẽ phải "gánh chịu" dịch bệnh nếu những người Mỹ trưởng thành không tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trả lời phỏng vấn CNN, Giáo sư Peter Hotez, trưởng khoa Y học Nhiệt đới tại Đại học Y Baylor cho biết: “Dường như virus này không nhằm vào trẻ em, mà chỉ là quá nhiều người không tiêm vaccine sẽ nhiễm biến thể Delta có nguy cơ lây lan nhanh, nên trẻ em bị cuốn theo".
Các ca mắc COVID-19 nhập viện và tử vong đều tăng hai con số trong những tuần gần đây khi biến thể Delta đang lây lan khắp Mỹ. Theo Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, biến thể Delta hiện chiếm khoảng 83% các ca mắc mới COVID-19 ở nước này.