WHO đưa ra con số trên trong bối cảnh xung đột bạo lực ở Tripoli đã bước sang tháng thứ 4 và tổ chức này hiện tiếp tục cử các bác sĩ đến thành phố trên để hỗ trợ cho các bệnh viện. Trong 3 tháng qua, các bác sĩ này đã thực hiện hơn 1.700 cuộc phẫu thuật để chữa trị vết thương cho các nạn nhân của cuộc xung đột.
Cùng ngày, Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại khu vực miền Nam Libya sau khi xảy ra các cuộc xung đột sắc tộc tại khu vực này. Theo UNSMIL, phái bộ này rất quan ngại về tình hình tại thị trấn Murzuq, cách Tripoli khoảng 780 km, kể từ khi các hành động thù địch sắc tộc bùng phát tại đây từ ngày 8/7 vừa qua gây nhiều thương vong.
Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.