Theo hãng tin Sputnik (Nga), một nghiên cứu của Đại học Bệnh viện Birmingham NHS Foundation Trust tại Vương quốc Anh do Giáo sư Alastair Denniston dẫn đầu đã đi đến kết luận rằng trí tuệ nhân tạo giờ đây có hiệu quả như một chuyên gia y tế trong việc chẩn đoán ung thư.
“Chúng tôi nhận thấy rằng phương pháp ‘deep learning’ trong hệ thống AI có thể phát hiện ra những loại bệnh từ ung thư đến bệnh về mắt có tính chuẩn xác như các chuyên gia y tế”, Giáo sư Denniston nói.
Quá trình nghiên cứu cho thấy hệ thống trí tuệ nhân tạo có phần vượt trội hơn con người. Nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ 14 thử nghiệm và phát hiện ra rằng AI chẩn đoán chính xác căn bệnh ung thư trong 87% trường hợp, trong khi các bác sĩ đạt được 86%. AI cũng có khả năng loại trừ bệnh nhân không mắc bệnh với tỷ lệ chính xác 93%, cao hơn một chút so với bác sĩ có tỷ lệ chẩn đoán chính xác đến 91%.
Một số ý kiến còn cho rằng công nghệ AI có thể sẽ thay thế hoàn toàn nhiệm vụ của ngành y khoa, đội ngũ y tế hoặc tạo ra vai trò mới cho các bác sĩ, chẳng hạn như chuyên gia thông tin. Tuy nhiên, ông Denniston đã bác bỏ lập luận cho rằng máy móc vượt trội hơn hẳn các chuyên gia y tế và khẳng định những thành kiến này có thể dẫn đến tuyên bố phóng đại về hiệu suất hữu hiệu của các công cụ AI, trong khi điều đó không chính xác.
“Cho đến nay, hầu như không có bất kỳ thử nghiệm nào cho thấy AI có thể thay thế các công việc của chuyên gia y tế. Trong đó, quyết định chẩn đoán được thực hiện bởi thuật toán AI chỉ để đánh giá kết quả và các vấn đề xảy ra với bệnh nhân như thời gian điều trị, thời gian xuất viện hoặc thậm chí tỷ lệ sống sót”, Tiến sĩ Livia Faes, đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng còn quá sớm để cho rằng máy móc có thể thay các bác sĩ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng máy móc sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể hoạt động ngang tầm với con người.