Tở Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá thỏa thuận thương mại tự do đạt được ngày 17/2 giữa Ấn Độ và UAE có thể đóng vai trò là bước đầu trong chặng đường sớm kết nối các nước trong liên minh chiến lược tại Trung Đông và châu Á.
Bên cạnh đó, UAE cũng đang ở giai đoạn cuối hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do với Israel. Vào dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao với Israel trong tháng 1, New Delhi tuyên bố nước này đã triển khai đàm phán thương mại tự do với Tel Aviv.
Đại sứ UAE tại Ấn Độ Ahmed Albanna ngày 10/2 đánh giá: “Việc ký kết Hiệp định Abraham không chỉ mở ra cơ hội mới cho quan hệ song phương của chúng ta, mà còn là hợp tác chiến lược 4 bên giữa UAE, Mỹ, Ấn Độ và Israel”. Ông Albanna miêu tả “QUAD Tây Á” là “hậu duệ của Hiệp định Abraham”.
Tại châu Á-Thái Bình Dương vốn tồn tại nhóm "bộ tứ kim cương" (còn gọi là QUAD) bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ. Như vậy, QUAD, “QUAD Tây Á” cùng các nước tham gia Hiệp định Abraham đã hình thành kiến trúc an ninh và kinh tế mới do Mỹ ủng hộ từ Địa Trung Hải đến Thái Bình Dương qua Vùng Vịnh và Ấn Độ Dương.
Israel, Morocco, UAE, Bahrain và Sudan đã tham gia Hiệp định Abraham. Israel và Morocco ký thỏa thuận thương mại tự do ngày 21/1. Vào ngày 3/2 vừa qua, Israel cũng hoàn tất thỏa thuận hợp tác an ninh với Bahrain. Điều này phản ánh vị trí của Israel trong chiến lược của Mỹ sau khi ký kết Hiệp định Abraham.
Ông Gedaliah Afterman tại Viện Ngoại giao Quốc tế Abba Eban thuộc Đại học Reichman (Israel) nhận định: “Sự thay đổi bối cảnh địa chính trị toàn cầu, cạnh tranh giữa các cường quốc và Hiệp định Abraham đã đem lại thực tế mới ở Trung Đông. Chúng không chỉ dẫn đến sắp xếp lại lợi ích và mối quan hệ của Israel trong khu vực, đặc biệt là với UAE và Bahrain, mà còn dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận chiến lược của Ấn Độ đối với khu vực”.
Ông Gedaliah Afterman cũng đề cập rằng thỏa thuận thương mại tự do gần đây giữa Ấn Độ cùng UAE và giao thương tăng giữa Israel và hai quốc gia này “dường như phản ánh nội dung của quan hệ đối tác mới này tập trung nhiều hơn vào hợp tác kinh tế”.
Theo ông Afterman, “QUAD Tây Á” không hướng đến đối trọng với đối thủ của Mỹ mà tập trung vào tăng cường hợp tác khu vực và tạo thêm không gian chiến lược cho các cường quốc tầm trung ở đây là UAE, Ấn Độ và Israel.
Liên minh mới được kỳ vọng sẽ phối hợp được công nghệ tiên tiến và khả năng quốc phòng của Israel với khả năng tài chính và phạm vi tiếp cận thương mại toàn cầu của UAE cũng như năng lực sản xuất khổng lồ và vai trò hải quân nổi bật của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.
Giáo sư Harsh V. Pant tại Học viện Ấn Độ thuộc Đại học King (Anh) nhận định: “Việc QUAD có thể xuất hiện phản ánh mối quan hệ song phương bền chặt giữa Ấn Độ và Israel, Ấn Độ và UAE, cũng như giữa Israel và UAE. Ở thời điểm chính trị tại khu vực đang trải qua thay đổi, một kiến trúc thể chế mới là cần thiết và QUAD Tây Á là một trong số này”.