Triều Tiên có thể sắp tuyên bố đánh bại COVID-19

Chỉ một tháng kể từ khi báo cáo các ca mắc COVID-19 đầu tiên, sau hơn 2 năm không ghi nhận bất kỳ trường hợp nhiễm virus nào, Triều Tiên có thể sắp tuyên bố chiến thắng đại dịch.

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm một hiệu thuốc ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên hôm 15/5. Ảnh: AP

Theo truyền thông nhà nước, Triều Tiên đã thoát khỏi kịch bản số ca tử vong hàng loạt mà nhiều chuyên gia dự đoán sẽ xảy ra.

Thông tin cập nhật hàng ngày từ các phương tiện truyền thông chính thức cho thấy Triều Tiên dường như chắc chắn có thể đánh bại hoàn toàn loại virus đã giết chết hơn 6 triệu người trên toàn thế giới. Theo thống kê chính thức, các ca có triệu chứng sốt đang giảm mạnh, trong khi có tới 18% trong tổng số 26 triệu dân có triệu chứng sốt, thì nước này chỉ ghi nhận chưa đến 100 ca tử vong.

Chính phủ Hàn Quốc cũng như một số chuyên gia tin rằng Triều Tiên có thể sớm tuyên bố rằng họ đã đánh bại virus, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và khôn khéo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuy nhiên, Triều Tiên ít đề cập đến đại dịch COVID-19 trong thông báo công khai, chỉ tuyên bố về thành công đáng kinh ngạc trong việc đối phó với loại virus từng khiến các nước giàu nhất thế giới phải chao đảo.

Trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát, Triều Tiên ghi nhận số ca sốt hàng ngày cao, tăng lên tới khoảng 400.000 ca. Triều Tiên hiếm khi gọi các ca sốt này là COVID-19, có lẽ là do nước này thiếu bộ xét nghiệm. Tuy nhiên giờ đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng làn sóng dịch đã lên đến đỉnh điểm. Các quan chức y tế cho biết tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ duy trì ở mức 0,002% - thấp nhất trên thế giới.

Gần đây, Triều Tiên báo cáo khoảng 17.000 đến 30.000 ca sốt mới mỗi ngày, với tổng số ca là hơn 4,7 triệu người. Trong số đó, chỉ có 73 ca tử vong.

Các nhóm giám sát cho biết họ không phát hiện thấy dấu hiệu Triều Tiên đang xảy ra thảm họa y tế. Giáo sư Nam Sung-wook tại Đại học Hàn Quốc nói: “Nếu Triều Tiên có nhiều người tử vong vì COVID-19, thì sẽ có một số bằng chứng chỉ ra điều đó, nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào”.

Kang Mi-jin, người điều hành một công ty phân tích nền kinh tế Triều Tiên, cho biết ba trong số những người liên lạc với mình ở thành phố Hyesan, miền bắc nước này nói trong các cuộc điện thoại rằng hầu hết thành viên gia đình của họ đều nghi mắc COVID-19 có triệu chứng. Thế nhưng, những người ở Triều Tiên nói rằng không ai trong số họ hàng, hàng xóm và người quen của họ tử vong vì COVID-19.

 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế khử trùng nhà máy ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AP

Trong cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên gần đây, ông Kim Jong-un cho biết cuộc chiến chống đại dịch của đất nước đã vượt qua giai đoạn “khủng hoảng nghiêm trọng không mong muốn”. Truyền thông nhà nước đã kêu gọi công chúng tập hợp ủng hộ nhà lãnh đạo một cách kiên quyết hơn để vượt qua đại dịch hoàn toàn.

Ông Cho Joonghoon, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói với các phóng viên vào tuần trước rằng Triều Tiên có thể thông báo đã đối phó thành công khủng hoảng COVID-19 trong tháng này.

Ông Nam Sung-wook, Giáo sư tại Đại học Korea ở Hàn Quốc, cho biết bùng phát dường như đã thuyên giảm ở Bình Nhưỡng, nhưng có khả năng sẽ lan ra các khu vực nông thôn, nơi một số người mắc các triệu chứng đang mạo hiểm rời khỏi nhà vì họ phải buôn bán ở chợ để kiếm sống.

Chú thích ảnh
Học sinh trường Tiểu học Kim Song Ju được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào trường ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Trong khi đó, Giáo sư Lim Eul-chul tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam ở Seoul, nhận định rằng Triều Tiên ít có khả năng dỡ bỏ các biện pháp chống dịch quan trọng, do các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và những khó khăn kinh tế khác vẫn tồn tại.

“Mỹ và các quốc gia khác có hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe tiên tiến vẫn chưa tuyên bố chấm dứt COVID-19. Vì vậy, Triều Tiên cũng sẽ gặp khó khăn hơn nhiều nếu làm như vậy ”, Giáo sư Lim nói.

Hải Vân/Báo Tin tức (AP)
Mỹ: Khoảng 10 - 30% bệnh nhân COVID-19 tại New Jersey mắc COVID kéo dài
Mỹ: Khoảng 10 - 30% bệnh nhân COVID-19 tại New Jersey mắc COVID kéo dài

Truyền thông Mỹ đưa tin khoảng 10-30% trong tổng số bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng COVID kéo dài, bất kể các trường hợp này có triệu chứng bệnh nhẹ hoặc nặng.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN