Triều Tiên đề cao yếu tố nội lực để chống dịch COVID-19

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 29/3 cho biết Bình Nhưỡng đang huy động các trung tâm nghiên cứu danh tiếng trong nước để cùng phối hợp đưa ra các biện pháp khoa học nhằm ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng trên xe buýt tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 26/2/2020, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông tin đăng tải trên tờ Lao động, Cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, cho biết mặc dù chưa có trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 được báo cáo ở Triều Tiên song Bình Nhưỡng đã kêu gọi toàn dân nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát bằng các tăng cường kiểm soát biên giới và siết chặt biện pháp cách ly cộng đồng.

Các nhà nghiên cứu về công nghệ sinh học và nông nghiệp tại Viện hàn lâm khoa học quốc gia cũng đã được điều động đến từng huyện thị của 11 tỉnh thành phố để tiến hành xét nghiệm và tầm soát virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, những hướng dẫn về kỹ thuật xét nghiệm cũng đã được phân phát trên quy mô toàn quốc. 

Các nhà khoa học của Đại học Kim Nhật Thành (trường đại học hàng đầu ở Triều Tiên) đã tiến hành nghiên cứu về nguyên nhân gây ra hiện tượng động vật chết hàng loạt ở các tỉnh Nam Hwanghae và tỉnh Kangwon.

Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát trên bán đảo Triều Tiên hồi năm 2019, Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này cũng như các loại bệnh dịch liên quan đến động vật khác. Những nỗ lực này cho thấy họ thực sự lo ngại rằng chỉ cần để xảy ra một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong vật nuôi cũng có thể phá hỏng nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19 vốn được xác định còn kéo dài.

Dư luận chung lo ngại rằng Triều Tiên rất dễ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 bởi nước này có chung đường biên giới dài với láng giềng Trung Quốc đồng thời lại thiếu thốn trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất để có thể xét nghiệm và điều trị cho những người bị nhiễm. 

Mới đây, các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Bác sĩ không biên giới và Hội chữ thập đỏ quốc tế (IFRC) đã được phép chuyển cho phía Triều Tiên thiết bị y tế, bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và các trang thiết bị cần thiết liên quan khác. Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết đã tài trợ cho Triều Tiên 1.500 bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo yêu cầu của Bình Nhưỡng.

* Trong khi đó, tại Hàn Quốc, nước này lần đầu tiên ghi nhận số ca khỏi bệnh ngưỡng 5.000 người; tiếp tục duy trì số ca nhiễm mới ở mức trên dưới 100 trong 17 ngày liên tiếp, trong khi số ca nhiễm từ nước ngoài vẫn đang tăng mạnh. 

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 0 giờ ngày 29/3, với 105 ca mới được phát hiện, số ca nhiễm COVID-19 đã lên 9.583 người. Số ca tử vong là 155 (thêm 11 ca mới), chủ yếu vẫn là người cao tuổi (trên 80) và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn là 222 nâng tổng số lên 5.033 người, chiếm 52,5%.

Tính đến ngày 29/3 Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 369.530 người (kể từ ngày 20/1/2020) tăng 7.647 trường hợp; hiện có 4.398 ca đang được cách ly điều trị (giảm 125 người) và 15.028 người tiếp tục phải theo dõi (giảm 1.536 ca). Số ca nhiễm mới phát hiện qua công tác kiểm dịch tại sân bay tăng thêm 21 ca (chiếm 13,8%) nâng tổng số thành 189 ca. 

Trong nỗ lực quyết tâm dập dịch COVID-19 trước thềm lễ khai giảng năm học mới (dự kiến diễn ra vào ngày 6/4 tới), Chính phủ Hàn Quốc tăng cường biện pháp “giãn cách xã hội”, hạn chế tối đa các hoạt động tập thể, sinh hoạt tôn giáo, các dịch vụ vui chơi giải trí... cho đến ngày 5/4.

Anh Nguyên (TTXVN)
Thế giới tuần qua: Mỹ trở thành ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới; G20 quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh
Thế giới tuần qua: Mỹ trở thành ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới; G20 quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh

Mỹ đã trở thành nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới và Nhóm G20 họp trực tuyến để bàn nỗ lực chung trong phòng chống dịch bệnh là hai sự kiện thế giới đáng chú ý tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN