Theo cơ quan trên, quyết định cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine là một hành động chống hòa bình, kích động một cuộc chiến lâu dài và phá hủy hoàn toàn hòa bình và ổn định khu vực.
Tuyên bố khẳng định, Mỹ là nguyên nhân chính ngăn chặn việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và đẩy toàn bộ châu Âu vào “lò luyện của một cuộc chiến tranh hạt nhân” thông qua việc cho phép các đồng minh cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí sát thương.
Cách đây hơn một tuần, Đan Mạch và Hà Lan đã được Mỹ “bật đèn xanh” để cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16. Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết ông và Bộ trưởng Quốc phòng Jakob Ellemann-Jensen đã nhận được một bức thư từ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đồng ý cho Đan Mạch thực hiện một số lựa chọn trong hành động hỗ trợ Ukraine. Ông Rasmussen cũng khẳng định "rào cản trong việc triển khai những việc như vậy không còn nữa" và Copenhagen đang thảo luận về các bước đi trong tương lai theo hướng này với các đồng minh.
Sự chấp thuận của Mỹ cũng đã được Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra xác nhận. Viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), ông Hoekstra cho biết Hà Lan "hoan nghênh quyết định của Washington trong việc mở đường cho việc gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nêu rõ hai quốc gia thành viên NATO có thể gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine ngay sau khi "nhóm phi công đầu tiên hoàn thành khóa đào tạo". Hiện tại, Đan Mạch có 43 chiếc F-16, khoảng 30 chiếc trong số đó có thể hoạt động, trong khi Hà Lan có 24 máy bay loại này.
Ukraine đã yêu cầu các nước phương Tây hỗ trợ máy bay chiến đấu F-16 trong nhiều tháng, cho rằng chúng sẽ giúp đối phó với ưu thế trên không của Nga. Hồi tháng 5, khi Kiev chưa nhận được máy bay chiến đấu hiện đại, Anh và Hà Lan đã công bố một "liên minh quốc tế" gồm 11 quốc gia để giúp Ukraine mua F-16 và đào tạo phi công của nước này.
Tuy nhiên, theo thông tin của các hãng truyền thông, những nỗ lực đào tạo phi công Ukraine đã bị cản trở bởi sự chậm trễ trong việc chuyển giao tài liệu hướng dẫn bay và các thiết bị mô phỏng, trong đó có cả vấn đề về ngôn ngữ. Trong bối cảnh đó, các quan chức Ukraine cho biết họ không mong đợi nhận được F-16 cho đến năm 2024.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine đang kéo các thành viên NATO đến gần cuộc đối đầu trực diện với Moskva. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng nhấn mạnh rằng việc cung cấp những chiếc máy bay này có thể khiến cuộc xung đột tiếp tục leo thang.