Chỉ ra các sản phẩm tại một số trang trại nuôi thỏ không đáp ứng như kỳ vọng, báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên – nhấn mạnh người nông dân phải nỗ lực hết mình để nuôi thỏ. Tờ báo cũng kêu gọi các trang trại phải nuôi thỏ theo cách vệ sinh và khoa học hơn.
Chính phủ Triều Tiên từ lâu đã khuyến khích nuôi thỏ, giải thích rằng loài động vật này dễ nuôi hơn vì nó vừa tiêu thụ ít thức ăn vừa có thể cung cấp thịt giàu chất dinh dưỡng và lông.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự báo tình hình lương thực của Triều Tiên sẽ ngày một nghiêm trọng hơn trong quý IV sau sự xuất hiện của cơn bão Lingling – được đánh giá là cơn bão mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào quốc gia Đông Bắc Á trong lịch sử vào tháng trước và nạn dịch tả lợn châu Phi lây lan. Trong báo cáo trình lên Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) vào ngày 30/5, Triều Tiên lần đầu xác nhận về việc bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh Jagang.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc vào tháng 4 năm ngoái, ước tính khoảng 40% dân số Triều Tiên, tương đương 10,1 triệu người, cần được hỗ trợ lương thực khẩn cấp.
Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus ASFV gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh.
Hiện dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở một số quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngay sau khi có kết luận chính thức về hai ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Gyeonggi trong tháng 9, Chính phủ Hàn Quốc đã thông báo tình hình dịch bệnh cho Triều Tiên, nhấn mạnh về việc cần thiết hợp tác phòng dịch giữa hai miền.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.