Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm công trường xây dựng ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP |
Câu hỏi này được đặt ra không phải là quá sớm. Mặc dù vấn đề phi hạt nhân hóa vẫn còn cả một chặng đường rất dài mới thực hiện được để xem thỏa thuận mà Tổng thống Trump đưa ra có thực sự hiệu quả hay không, thì vấn đề về kinh tế và tài chính lại có thể được giải quyết ngay và sớm nhìn thấy kết quả hơn.
Chuyên gia Jesper Koll, người đứng đầu quỹ đầu tư WisdomTree ở Tokyo (Nhật Bản), đánh giá rằng sau thời gian dài bị cô lập, tiềm năng phát triển đầu tư của Triều Tiên là rất lớn.
Theo một bài viết nhận định trên báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh mong muốn hiện đại hóa nền kinh tế Triều Tiên, song ông không thể làm điều đó một mình. Hàn Quốc cũng không đủ khả năng vực Triều Tiên dậy giống cách mà Tây Đức làm cho Đông Đức khi hai nửa đất nước bị chia cắt thống nhất, vì số tiền hiện đại hóa kinh tế của Triều Tiên được ước tính gấp đôi số tiền mà Đông Đức cần để "hồi sinh" sau Chiến tranh Lạnh.
Chính sự đầu tư, viện trợ bên ngoài từ chính phủ, các thể chế đa phương và các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài sẽ là nguồn cung tài chính cho Triều Tiên.
Ngoài Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu có thể đổ vốn đầu tư vào Triều Tiên trong thời gian tới. Các tổ chức viện trợ đa quốc gia cũng có thể góp phần.
Tuy nhiên, một câu hỏi nữa được đặt ra là các thực thể tư nhân này sẽ làm cách nào để đổ tiền vào Bình Nhưỡng?
Những nhà quản lý quỹ đầu tư – luôn đi đầu trong các trận chiến giành thị trường – sẽ tìm đường đầu tư qua đường gián tiếp, cụ thể thu mua cổ phiếu các công ty có mối liên hệ làm ăn với Triều Tiên, trong khi tiến trình phi hạt nhân hóa bắt đầu được khởi động.
Tập đoàn Huyndai và các ông lớn khác trong ngành công nghiệp Hàn Quốc có thể sẽ thu hút các nhà quản lý quỹ đầu tư trong một vài tuần tới. Các hãng lớn của Nhật Bản như Mitsubishi và Komatsu, cũng như các công ty của Trung Quốc đều nhắm tới thị trường béo bở Triều Tiên.
Bản thân Triều Tiên là một quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản. Theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích địa lý, vùng núi nước này không chỉ thích hợp để xây dựng bãi thử hạt nhân mà đó còn là một “mỏ” vàng, sắt, đồng, kẽm, than chì, với khối lượng được cho là nằm trong những mỏ dự trữ lớn nhất thế giới có tổng giá trị lên tới 10.000 tỷ USD.
Con số này cũng tương đương với số tiền mà Triều Tiên cần để vực nền kinh tế nước mình sánh ngang với Hàn Quốc. Rõ ràng việc khai thác tài nguyên khoáng sản khổng lồ tại Triều Tiên cần sự viện trợ tài chính và công nghệ nước ngoài.