Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi một nhân viên điều tra ở bang Ohio, Mỹ thông báo Warmbier qua đời do thiếu oxi và máu lên não, tình trạng được cho là do một tổn thương chưa được xác định.
Otto Frederick Warmbier (giữa) bị cảnh sát áp giải tới phiên xét xử của Tòa án tối cao Triều Tiên ở Bình Nhưỡng ngày 16/3/2016. Ảnh: REUTERS/ TTXVN |
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết nước này đã cung cấp dịch vụ chăm sóc trị liệu cho Warmbier, bất chấp “các hành động thù địch” của sinh viên này chống lại Bình Nhưỡng, đồng thời cho rằng các cáo buộc tra tấn là "sự vu khống vô căn cứ" của chính quyền Washington nhằm phản đối quốc gia Đông Bắc Á này.
Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, người phát ngôn Hội đồng Hòa giải dân tộc Triều Tiên cũng khẳng định các cơ quan hữu quan của nước này đối xử với tất cả tội phạm hoàn toàn phù hợp với luật pháp trong nước cũng như các tiêu chuẩn quốc tế và Warmbier không phải là ngoại lệ.
Otto Warmbier, 22 tuổi, là sinh viên Đại học Virgina, bị Triều Tiên bắt giữ hồi đầu năm 2016, qua đời hôm 19/6 vừa qua tại một bệnh viện ở thành phố Cincinnati, gần 1 tuần sau khi được trao trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê. Bố mẹ Warmbier cho rằng con trai họ đã bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ ở Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng yêu cầu Triều Tiên chịu trách nhiệm về việc bắt giữ Warmbier.
Sau sự việc trên, Chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm công dân nước này tới Triều Tiên từ 1/9 và lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong vòng 1 năm. Lệnh cấm nêu rõ toàn bộ hộ chiếu Mỹ không được cấp phép đi đến hoặc đi qua Triều Tiên trừ một số trường hợp đặc biệt do lo ngại về những nguy cơ đối với công dân Mỹ khi tới quốc gia châu Á này. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm các nhà báo, người hoạt động cứu trợ nhân đạo đã được cấp phép.