Ngày 23/1, trong phản ứng của mình sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhất trí thông qua nghị quyết mở rộng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng liên quan tới vụ phóng tên lửa mang vệ tinh hồi tháng 12/2012, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ có "những hành động cụ thể" nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn một thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng Triều Tiên "sẽ tăng cường các khả năng phòng vệ quân sự, trong đó có răn đe hạt nhân". Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng chấm dứt các nỗ lực về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thông cáo nhấn mạnh vòng đàm phán sáu bên cũng như tuyên bố chung ngày 19/9/2005 đã bị vô hiệu và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chấm dứt bởi "sự thù địch của Mỹ". Theo thông cáo, sẽ không có thêm những đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong tương lai, song Bình Nhưỡng cũng sẵn sàng đối thoại vì hòa bình và an ninh.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo và hãng tin Pháp AFP, phản ứng của Bình Nhưỡng có thể xem là "cảnh báo" đề cập đến khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba, sau các vụ thử hồi tháng 10/2006 và tháng 5/2009. Vụ thử hạt nhân năm 2006 diễn ra 3 tháng sau khi Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm xa, trong khi vụ thử năm 2009 diễn ra chỉ một tháng sau vụ phóng tương tự. Tháng 12/2012, Triều Tiên đã phóng thành công một tên lửa mang vệ tinh, hành động mà phương Tây luôn coi là vỏ bọc cho một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa và đã dẫn tới những trừng phạt mới của HĐBA LHQ.
Ngày 22/1, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hoan nghênh nghị quyết trên của HĐBA LHQ, cho rằng "đối thoại là cách duy nhất để đạt được phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng như hòa bình ổn định trong khu vực".
Trong khi đó, đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông cho rằng nghị quyết mới nhất về Triều Tiên là "kết quả của nhiều vòng tham vấn của tất cả các bên hữu quan" và "nói chung là cân bằng".
Nhà ngoại giao này đánh giá: "Nghị quyết là kết quả nhiều vòng tham vấn của các bên hữu quan, trong đó không những cho thấy lập trường của cộng đồng quốc tế đối với việc Triều Tiên phóng vệ tinh mà còn truyền đi thông tin tích cực, bao gồm kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và đàm phán cũng như nối lại các vòng đàm phán sáu bên". Ngoài ra, ông Lý Bảo Đông cũng nhấn mạnh Trung Quốc giữ vững lập trường "rõ ràng và nhất quán" đối với việc Triều Tiên phóng vệ tinh, đồng thời nói thêm rằng phản ứng của HĐBA LHQ nên "thận trọng và vừa phải", có lợi cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, tránh làm leo thang căng thẳng.
Liên quan đến phản ứng nói trên của Triều Tiên về nghị quyết của HĐBA LHQ, Hàn Quốc đã bày tỏ "rất lấy làm tiếc" về tuyên bố tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Seoul sáng 23/1, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về tuyên bố của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng đưa ra những đe dọa mang tính khiêu khích và cần nỗ lực phi hạt nhân hóa thông qua các hành động cụ thể".
Trong một động thái khác, ngày 23/1, phái viên Mỹ về Triều Tiên Glyn Davies cùng trưởng đoàn Mỹ trong đàm phán sáu bên Clifford Hart sẽ tới Hàn Quốc để thảo luận về những động thái tiếp theo nhằm mở rộng trừng phạt của LHQ với Bình Nhưỡng. Sau đó, ngày 25/1, phái viên Mỹ Davies dự kiến sẽ tới Bắc Kinh thăm hai ngày.
TTXVN/Tin tức