Theo Văn phòng tổng thống Hàn Quốc, ngoài việc góp phần hòa giải giữa hai miền Triều Tiên, Olympic PyeongChang sẽ tạo nền tảng xoa dịu căng thẳng và kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc sẽ nỗ lực để gìn giữ quan điểm hòa giải của Bình Nhưỡng ngay cả sau khi Olympic mùa Đông PyeongChang kết thúc.
Ông Han Jong-wook (trái), một quan chức thuộc Bộ Văn hóa-thể thao Hàn Quốc đón bà Hyon Song-wol, Trưởng nhóm tiền trạm của Triều Tiên, tại thành phố biên giới giữa hai miền Paju ngày 21/1. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Đối với các chỉ trích cho rằng việc thành lập đội nữ khúc côn cầu trên băng chung sẽ gây bất lợi cho các vận động viên Hàn Quốc, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh động thái này sẽ mở đường cho khả năng hòa giải giữa 2 miền.
Ngày 21/1, đoàn tiền trạm của Triều Tiên đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên với mục đích chính là kiểm tra các địa điểm trình diễn nghệ thuật tại Olympic PyeongChang 2018. Đoàn tiền trạm gồm 7 người đã di chuyển tới thành phố Gangnueng, phía Đông Hàn Quốc, qua tuyến biên giới trên bộ. Đây là điểm làm việc đầu tiên của đoàn trong kế hoạch làm việc 2 ngày tại Hàn Quốc.
Sau cuộc gặp các đại diện đến từ 2 miền Triều Tiên tại Lausanne (Thụy Sĩ), ngày 20/1, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết Triều Tiên được phép cử 22 vận động viên tranh tài tại 3 môn thi đấu trong Olympic PyeongChang, trong đó bao gồm cả 12 vận động viên tham gia đội khúc côn cầu trên băng chung với Hàn Quốc.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cho rằng Olympic PyeongChang sẽ là "bước ngoặt" quan trọng đối với việc giải quyết vấn đề tên lửa của Triều Tiên. Phát biểu khi đến thăm Trung tâm huấn luyện quốc gia ở Jincheon, cách thủ đô Seoul 90 km về phía Nam, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định việc thành lập đội tuyển khúc côn cầu chung giữa hai nước sẽ tạo "cơ hội tốt hơn" trong việc cải thiện mối quan hệ liên Triều.
Trong khi đó, Triều Tiên đã cảnh báo Hàn Quốc về việc một số công ty truyền thông và chính trị gia gây ảnh hưởng đến bầu không khí hòa giải trước thềm Olympic mùa Đông vào tháng tới.
Trong một bài bình luận ngày 20/1, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nhấn mạnh "những cá nhân và truyền thông bảo thủ cho rằng việc sử dụng phà Mangyongbong-92 và hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo trong thời gian diễn ra Olympic vi phạm 'các lệnh trừng phạt độc lập' của Mỹ và Hàn Quốc".
Trước đó, Triều Tiên đã chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vì ông đã ca ngợi Tổng thống Mỹ Donald Trump về đóng góp của Washington trong việc tiến hành đàm phán liên Triều thông qua gây sức ép tối đa và các lệnh trừng phạt.