KCNA dẫn báo cáo của Chủ tịch Quốc hội Choe Ryong-hae nêu rõ Quốc hội đã "tiến hành một số sửa đổi và bổ sung Hiến pháp Xã hội Chủ nghĩa". Điều khoản bổ sung vào Hiến pháp quy định quy chế Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ (SAC), chức danh hiện ông Kim đang đảm nhận. Cụ thể, chức Chủ tịch SAC được Quốc hội "bầu ra dựa theo ý nguyện đa số của nhân dân Triều Tiên", và "không được bầu như chức danh Phó Chủ tịch Quốc hội". Ông Choe Ryong-hae nói thêm rằng "Chủ tịch SAC là lãnh đạo tối cao của đảng, nhà nước và các lực lượng vũ trang của Triều Tiên, được bầu dựa trên ý nguyện và mong muốn của đa số người dân Triều Tiên, cả trên danh nghĩa và trên thực tế".
Theo điều khoản sửa đổi, Chủ tịch SAC cũng "có thẩm quyền ban hành quy định của Quốc hội và các sắc lệnh và quyết định lớn của SAC, và được bổ nhiệm hoặc triệu hồi các đại sứ ngoại giao ở nước ngoài".
Ông Choe nhấn mạnh "quy chế pháp lý của Chủ tịch SAC đại diện cho nhà nước Triều Tiên đã được củng cố thêm để đảm bảo chắc chắn sự chỉ đạo vững chắc của Lãnh đạo Tối cao trong tất cả các vấn đề nhà nước".
Trong kỳ họp đầu tiên tháng 4 vừa qua, ông Kim Jong-un đã được bầu lại làm Chủ tịch SAC, vị trí quyền lực cao nhất đất nước Triều Tiên, và hiến pháp cũng đã được sửa đổi để đưa ông chính thức làm người đứng đầu nhà nước.
Kỳ họp thứ hai, bắt đầu từ ngày 29/8, diễn ra trong bối cảnh các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đã kết thúc và hy vọng các cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ sớm được nối lại.