Triều Tiên và Mỹ dọa dẫm nhau, LHQ bày tỏ quan ngại

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres ngày 9/8 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như "việc gia tăng các phát biểu mang tính đối đầu" giữa Triều Tiên và Mỹ.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại một sự kiện ở Crans-Montana, Thụy Sỹ ngày 6/7. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ tại trụ sở LHQ, người phát ngôn của TTK LHQ Stephane Dujarric cho biết TTK LHQ hoan nghênh cam kết của Hội đồng Bảo an LHQ trong việc tìm ra "một giải pháp chính trị, ngoại giao và hòa bình" đối với cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên, được đưa ra trong nghị nguyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên ngày 5/8 vừa qua. Theo ông Dujarric, TTK LHQ hoan nghênh mọi sáng kiến giúp giảm leo thang căng thẳng cũng như nối lại các biện pháp ngoại giao.

Cùng ngày, trao đổi với báo giới, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết Moskva hy vọng Washington sẽ tránh bất kỳ động thái nào có thể kích động Triều Tiên có những hành động nguy hiểm, đồng thời ng kêu gọi đối thoại chính trị để làm dịu căng thẳng.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington đã phát đi một thông điệp thống nhất về Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert nhấn mạnh: "Dù là phát biểu của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng, chúng tôi đều có cùng một tiếng nói. Trên thực tế, thế giới cũng đang có chung tiếng nói và chúng ta đã thấy điều này qua việc HĐBA LHQ thông qua (nghị quyết trừng phạt Triều Tiên) gần 1 tuần trước".

Tuyên bố được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra sau khi Tổng thống Trump cảnh báo lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phải đối mặt với "hỏa lực và thịnh nộ" do các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Tillerson cho rằng thông qua tuyên bố trên, Tổng thống Trump muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến Triều Tiên là nước này nên tránh những tính toán sai lầm. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã không hiểu đúng ngôn ngữ ngoại giao này.

Triều Tiên đã gia tăng đe dọa sau sự phản đối của quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này, song đây không phải là "mối đe dọa tức thời". Theo bà Nauert, phát biểu của Tổng thống Trump phù hợp với "chiến dịch gây sức ép" buộc Triều Tiên quay lưng với việc phát triển hạt nhân và thử tên lửa của nước này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo Triều Tiên sẽ bị áp đảo hoàn toàn trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Mỹ, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng cần lựa chọn "giữa việc tự cô lập với việc ngừng theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân".

Trong bối cảnh căng thẳng có thể tiếp tục leo thang liên quan vấn đề Triều Tiên, đại tá quân đội Mỹ nghỉ hưu Jack Jacobs ngày 9/8 nhận định Mỹ sẽ "không bước vào cuộc chiến với Triều Tiên".

Theo vị đại tá từng được trao Huy chương Danh dự này, Triều Tiên sẽ không sớm từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình trừ phi Mỹ, Trung Quốc và Nga có thể đạt được một hiệp định với Bình Nhưỡng. Ông cũng cho rằng Mỹ sẽ không thể tự xoay sở trong vấn đề này nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc.

TTXVN/Tin Tức
Triều Tiên đặt hạn chót tấn công Guam, Mỹ còn 'bình chân như vại'
Triều Tiên đặt hạn chót tấn công Guam, Mỹ còn 'bình chân như vại'

Trong bối cảnh Triều Tiên đang lên dây cót cho kế hoạch tấn công trả đũa Mỹ và quân đội chỉ còn “chờ lệnh” để phóng tên lửa vào đảo Guam, phía Mỹ vẫn “bình chân như vại” chưa đưa ra động thái gì chuẩn bị cho chiến tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN