Trong bóng đen của cuộc xung đột, nền an ninh của cả khu vực lại xuất hiện ngòi nổ mới với việc tòa nhà lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán Iran tại Syria bị tấn công, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, trong đó có một tướng cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
So với giai đoạn đầu của cuộc chiến, thương vong tại Dải Gaza đã tăng chậm lại, nhưng tính đến ngày 4/4 đã vượt quá 33.000 người chết, gần 76.000 người bị thương, 8.000 người mất tích. Tình hình nhân đạo ngày càng trầm trọng hơn do hầu như toàn bộ 2,3 triệu dân ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Không chỉ hệ thống y tế mà ngay cả các nhu cầu thiết yếu về lương thực, nước uống cũng không đủ đáp ứng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã mô tả “người Palestine ở Gaza đang trải qua các cấp độ kinh hoàng về nạn đói và đau khổ”.
Bỏ qua sức ép quốc tế về vấn đề nhân đạo, các cuộc tấn công của Israel vẫn diễn ra liên tục, với mục tiêu bao gồm cả các bệnh viện. Quân đội Israel cho rằng các tay súng Hamas sử dụng các địa điểm dân sự để làm nơi trú ẩn và thực hiện các vụ phóng rocket. Đầu tháng 2, Israel tuyên bố sẽ thực hiện chiến dịch đổ bộ vào thành phố Rafah, nơi đang có khoảng 1,4 triệu người Palestine sơ tán, khiến thế giới cảnh báo một thảm họa nhân đạo “kinh hoàng” là khó tránh khỏi.
Trong khi đó, người dân Israel nhận được thông báo của chính quyền chuẩn bị sẵn các phòng trú ẩn, đề phòng tình huống xung đột leo thang. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tăng cường hệ thống phòng thủ, thường trực các đơn vị chiến đấu và huy động đội ngũ máy bay chiến đấu để “sẵn sàng phòng ngự và tấn công trong mọi tình huống”. Những thông tin cảnh báo dồn dập và tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời đã khiến nhiều người tranh thủ tới siêu thị mua tích trữ thực phẩm và nước uống.
Giới quan sát không khỏi lo ngại nguy cơ một cuộc xung đột ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực, giữa lúc cuộc chiến tại Dải Gaza vẫn chưa bớt căng thẳng. Sau 3 tháng đầu tấn công và kiểm soát miền Bắc Gaza, kể từ tháng 1/2024, Israel bắt đầu giai đoạn mới của cuộc chiến chống Hamas: Tấn công miền Trung và miền Nam Dải Gaza một cách chọn lọc hơn, rút bớt 1 trong số 4 sư đoàn chủ lực để di chuyển lên phía Bắc đề phòng mặt trận chống Hezbollah, rút bớt sư đoàn quân dự bị để giảm bớt gánh nặng về kinh tế. Các trận tấn công lớn chuyển sang khu vực miền Trung Gaza và “Nam tiến” đến Khan Younis, Rafah và các khu vực xung quanh.
Về phía Hamas, bị tấn công dữ dội, lực lượng này chuyển sang trạng thái đánh “du kích”, đồng thời tản quân, quay lại các vị trí miền Bắc để tiếp tục bắn rocket và tên lửa sang Israel. So với giai đoạn 3 tháng đầu, hỏa lực của Hamas đã yếu đi rất nhiều, nhưng trong tay họ là 130 con tin còn lại. Chiến thuật của Hamas là kéo dài cuộc chiến, “không thua tức sẽ thắng”, nhằm tiêu hao nguồn lực của Israel. Tính đến nay, Israel đã thiệt hại khoảng 600 binh sĩ, trong đó 256 binh sĩ chết tại Gaza. Số thiệt hại của Hamas do phía Israel thống kê là khoảng 13.000 binh sĩ.
Đến thời điểm này, IDF đã giành được lợi thế trên chiến trường, nhưng hai mục tiêu chính là giải cứu con tin và "xóa sổ" Hamas vẫn chưa thực hiện được. Thậm chí, xét về mặt chính trị và chiến lược, Israel đang thất thế trước Hamas. Càng lún sâu vào cuộc chiến, sự ủng hộ của quốc tế trong những ngày đầu càng giảm sút, đặc biệt sau khi kế hoạch tấn công vào thành phố Rafah được công bố. Ngay cả đồng minh luôn sát cánh là Mỹ cũng công khai phản đối, nói rằng kế hoạch này là không phù hợp và sẽ dẫn đến một nạn đói lớn nhất thế giới.
Kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas bùng phát vào tháng 10/2023, cộng đồng quốc tế đã liên tục triển khai các nỗ lực ngoại giao để tìm lối thoát cho xung đột. Tuy nhiên, những mâu thuẫn chồng chất kéo dài hàng thập niên giữa Israel và Hamas đã trở thành rào cản gần như không thể vượt qua. Việc tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn mới trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đi vào ngõ cụt. Lệnh tạm ngừng bắn kéo dài 1 tuần vào cuối tháng 11/2023, với hơn 100 con tin được giải thoát, đã tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo cũng được đưa vào nhiều hơn cho người dân Gaza. Từ đó đến nay, những hy vọng ngừng bắn vừa lóe lên lại vụt tắt, do cả Israel và Hamas đều kiên quyết không xuống thang lập trường, bất chấp một đề xuất khung mang tính dung hòa do Mỹ đưa ra.
Quan điểm cứng rắn của các nhà lãnh đạo Israel, đặc biệt là Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã khiến mối quan hệ đồng minh với Mỹ rơi xuống điểm thấp chưa từng có. Ngày 25/3, sau nhiều lần bảo vệ đồng minh, Washington đã lần đầu tiên không dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết kêu gọi ngừng bắn của Hội đồng Bảo an LHQ. Mặc dù đây là bước đi có tính toán về chính trị và chưa ảnh hưởng về mặt chiến lược tới mối quan hệ song phương, nhưng cũng đủ để gây ra một cú sốc cho Israel. Cùng với sự rút lui của đảng New Hope khỏi chính phủ liên minh khẩn cấp nhằm phản đối các mục tiêu liên quan đến cuộc chiến tại Dải Gaza, làn sóng biểu tình của người dân đòi sớm giải cứu các con tin đột ngột dâng cao trong những ngày qua.
Sức ép cả trong và ngoài nước đang đặt chính phủ liên minh cánh hữu tại Israel trước một tình thế vô cùng khó khăn, nhất là sau sự cố nghiêm trọng tấn công nhầm vào đoàn cứu trợ nhân đạo World Central Kitchen, khiến 7 thành viên của tổ chức này thiệt mạng. Các đồng minh phương Tây của Israel, trong đó có Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Tây Ban Nha đã đồng loạt phản ứng gay gắt, cho rằng “Israel làm chưa đủ để bảo vệ các nhân viên cứu trợ”.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, với hàng chục tỷ USD viện trợ, chừng nào Mỹ còn tiếp tục ủng hộ Israel về mặt quân sự, chừng đó các cuộc tấn công của Israel tại Dải Gaza vẫn chưa dừng lại. Chính phủ liên minh khẩn cấp tại Israel vẫn còn tới 72 ghế trong quốc hội, thừa đủ để thông qua bất cứ quyết định chiến tranh nào.
Tròn 6 tháng trong bóng đen của cuộc xung đột, hay có người đã gọi là chiến tranh, những gì tàn khốc nhất, bạo lực, tấn công-đáp trả, khủng hoảng nhân đạo,... vẫn lan rộng, đang đe dọa cả khu vực.
Những con số thương vong và mất tích, kể cả trực tiếp ở Gaza hay gián tiếp trong các vụ đụng độ, tấn công liên quan tới cuộc xung đột, vẫn không ngừng tăng, số phận của 130 con tin còn lại ở Dải Gaza vẫn mờ mịt. Đằng sau đó là những vết thương nhức nhối trong lòng xã hội, đối với cả người Palestine và người Israel, ở dải đất chưa có hòa bình.