Theo kênh RT (Nga), số vaccine COVID-19 trên do các hiệu thuốc và chính quyền các bang vứt bỏ sau khi nhận nhiệm vụ phân phối vaccine từ ngày 1/3.
Tuần này, dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) công bố cho thấy các đơn vị có nhiệm vụ tiêm vaccine cho người dân đã vứt bỏ hàng triệu liều vaccine. Chuỗi nhà thuốc Walgreens vứt gần 2,6 triệu liều, còn chuỗi nhà thuốc CVS phải bỏ đi khoảng 2,3 triệu liều.
Bang Texas, North Carolina, Pennsylvania và Oklahoma bỏ nhiều vaccine COVID-19 nhất.
Trong tháng 7, Mỹ vứt bỏ 4,7 triệu liều vaccine, tăng 300.000 liều so với con số 4,4 triệu liều bị bỏ hồi tháng 6. Số lượng vaccine bị bỏ trong tháng 8 ít hơn một chút, với 3,8 triệu liều. Tới nay, trên 360 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Mỹ.
Phát ngôn viên công ty CVS cho biết công ty đã tiêm hàng chục triệu liều vaccine và nói: “Khi đứng trước lựa chọn cứu mạng người hay giảm số liều vaccine bị bỏ phí, chúng tôi sẽ luôn chọn điều thứ nhất”.
Lý do cụ thể vaccine bị vứt bỏ ở Mỹ hiện vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, vaccine COVID-19 có thể bị vứt đi vì lọ bị vỡ, tủ lạnh dự trữ hỏng, không bảo quan đúng nhiệt độ hoặc hết hạn sử dụng.
Phát ngôn viên CDC cho rằng số liều vaccine bị bỏ chỉ là một phần nhỏ và cực kỳ thấp so với số liều được sử dụng. Bà nói: “Đây là bằng chứng về quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa chính phủ liên bang, các khu vực và các nhà cung cấp vaccine để càng nhiều người được tiêm càng tốt, đồng thời giảm số vaccine bị lãng phí trên khắp hệ thống”.
Khi ca mắc do biến thể Delta gia tăng, chính phủ Mỹ đã thông báo kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân trên cả nước, bắt đầu từ ngày 20/9 tới.
Trong khi đó, kết luận của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) dựa trên một báo cáo kỹ thuật cho biết, việc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba cho người trưởng thành đã được tiêm phòng đủ 2 liều.
Trước đó, ngày 23/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh các nước cần trì hoãn tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 bởi cần ưu tiên nâng tỷ lệ tiêm chủng tại những quốc gia mới chỉ có 1% hoặc 2% dân số được hưởng quyền lợi này.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Adhanom Ghebreyesus cũng ủng hộ quan điểm tiêm mũi thứ ba cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch và nhóm đối tượng này chỉ chiếm một phần rất nhỏ dân số thế giới.
Tuần trước, WHO cho biết các dữ liệu mới nhất chỉ ra rằng việc tiêm mũi tăng cường là không cần thiết và những người dễ bị tổn thương nhất nên được tiêm chủng đầy đủ trước khi một số quốc gia có thu nhập cao triển khai tiêm mũi tăng cường.
Trong các tuyên bố trước đó, các chuyên gia hàng đầu của WHO đã nêu quan điểm rằng chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy cần phải tiêm vaccine liều tăng cường để ngừa COVID-19. Theo WHO, các loại vaccine trong danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của cơ quan này đều có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2 nếu người đó đã được tiêm đầy đủ. Do đó, WHO khẳng định các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm nhắc lại cho những người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh nhiều nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.