Theo CNN, có rất nhiều yếu tố thách thức trong việc phân phối vaccine COVID-19 trên toàn thế giới: những quyết định về nhóm dân số ưu tiên, cơ sở dữ liệu để theo dõi những người đã tiêm; các chính phủ cũng sẽ cần các chiến dịch PR để thuyết phục người dân là vaccine an toàn. Tuy nhiên, công tác hậu cần vận chuyển và bảo quản vaccine – mang chúng từ cổng nhà máy đến cánh tay người dân, được gọi là "dây chuyền lạnh" - được cho là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Nhu cầu lớn đá khô và tủ siêu đông lạnh
Vaccine của tập đoàn Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) cần được bảo quản lạnh ở khoảng -70 độ C khi vận chuyển. Mức nhiệt này lạnh hơn tới 50 độ so với bất kỳ loại vaccine nào khác hiện đang được sử dụng.
Trong khi đó, công ty Moderna (Mỹ) cho biết vaccine của họ có thể bảo quản khi vận chuyển ở -20 độ C, tức là ngưỡng nhiệt ở các tủ đông lạnh y tế phổ biến, và giữ trong tủ lạnh tiêu chuẩn trong 30 ngày. Nhưng nhiều khả năng lượng vaccine sẵn sàng trong năm tới của Moderna sẽ ít hơn của Pfizer.
Các thử nghiệm giai đoạn 3 đã cho thấy cả hai loại ứng viên vaccine của hai công ty trên có hiệu quả ngừa bệnh khoảng 95%, mặc dù kết quả này vẫn chưa được các nhà quản lý thẩm định.
Hôm 18/11, chính CEO của BioNTech đối tác Đức của Pfizer, đã thừa nhận khó khăn trong kiểm soát nhiệt độ. Ông Ugur Sahin nói với CNN: “Chúng tôi đang nghiên cứu công thức có thể cho phép vận chuyển vaccine ở nhiệt độ phòng. Chúng tôi tin rằng vào nửa cuối năm 2021 sẽ đưa ra một công thức có thể so sánh với bất kỳ loại vaccine nào khác”.
Nhưng trong thời gian chờ đợi, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar tin rằng ứng cử viên vaccine của Moderna sẽ "linh hoạt hơn" đối với các cơ sở nhỏ, trong khi vaccine của Pfizer phù hợp hơn với "việc tiêm chủng cho các tổ chức lớn, chẳng hạn như toàn bộ bệnh viện, nhiều viện dưỡng lão cùng một lúc".
Pfizer có kế hoạch xuất xưởng 1,3 tỷ liều vaccine trong năm tới, do đó đòi hỏi nhiều đá khô (carbon dioxide thể rắn ở nhiệt độ khoảng -78 độ C), và rất nhiều hộp đẳng nhiệt. Mỗi hộp này sẽ chứa tới 975 lọ (4.875 liều) và có thể được đổ đầy đá khô trong thời gian bảo quản lên đến 15 ngày.
Hiện nay công ty đang thử nghiệm chuỗi cung ứng tại 4 bang của Mỹ. Giám đốc điều hành Albert Bourla cho biết ông "không lo ngại" về các yêu cầu dây chuyền lạnh.
Tuy nhiên việc vận chuyển một loại vaccine như vậy có thể gây ra những thách thức lớn. Tiến sĩ Jarbas Barbosa, trợ lý giám đốc của Tổ chức Y tế Liên Mỹ, nói với CNN rằng "các khu vực nông thôn và thành thị ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới vẫn chưa sẵn sàng để quản lý vaccine này ngay hôm nay".
Hiệp hội Khí nén Mỹ (CGA) cho biết công suất sản xuất carbon dioxide ở Mỹ và Canada là khoảng 30.000 tấn một ngày và tự tin rằng các thành viên của hiệp hội có thể đáp ứng nhu cầu về đá khô. CGA nói rằng sẽ cần không đến 5% sản lượng đá khô để hỗ trợ bảo quản siêu lạnh vaccine COVID-19 ở Mỹ và Canada.
Julie Swann, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học Bang Bắc Carolina, nói rằng các hệ thống bệnh viện lớn, thường có tủ đông cực tốt, có thể đóng vai trò là trung tâm phân phối. Tuy nhiên không phải tất cả các bang của Mỹ đều được trang bị, chẳng hạn bang Hawaii tuần trước cho hay không bệnh viện nào của họ có tủ đông lạnh như vậy.
Việc chia nhỏ lô hàng vaccine đông lạnh cho các khu vực nông thôn hoặc nhóm nhỏ người dân cần tiêm- mà không ảnh hưởng đến nhiệt độ bảo quản- cũng là một vấn đề đau đầu khác.
Thách thức ngoài nước Mỹ
Nếu như việc cung cấp vaccine đông lạnh cho hàng chục triệu người đã là một thách thức ở Mỹ, thì đó còn là một vấn đề lớn hơn nhiều đối với các quốc gia nghèo hơn.
Kết nối giao thông chậm hơn và các cơ sở y tế được trang bị kém hơn ở các nước đang phát triển là những trở ngại.
Ông David Gitlin, Giám đốc điều hành của tập đoàn điện lạnh Carrier, nói với CNN vào tuần trước: "Nhìn sang những nơi như Châu Phi và Ấn Độ, họ không có cơ sở hạ tầng dây chuyền lạnh. Mỹ chi tiêu cho dây chuyền lạnh gấp 300 lần so với Ấn Độ”.
Peru là một trong nhiều quốc gia đã đặt hàng vaccine COVID của Pfizer. Tại thủ đô Lima, với 30 tủ đông siêu lạnh, thì việc cung cấp vaccine có thể hiệu quả, nhưng còn khoảng 20 triệu người sống ở những nơi khác, gồm cả những cộng đồng sống trên dãy Andes và rừng nhiệt đới thì sẽ rất khó khăn vì không có một chiếc tủ siêu lạnh nào.
Ngoài “dây chuyền lạnh”, còn có các rào cản hậu cần khác. Thế giới sẽ cần một cuộc không vận lớn để đưa vaccine đến nơi cần. Pfizer, công ty đang duy trì dây chuyền sản xuất ở châu Âu và Mỹ, cho biết họ dự kiến sẽ có trung bình 20 chuyến bay chở hàng mỗi ngày trên toàn thế giới.
Tập đoàn chuyển phát nhanh DHL dự kiến có khoảng 15 triệu hộp làm mát sẽ được chuyển giao trên 15.000 chuyến bay trong 2 năm tới. Hiện công ty đã thiết lập một mạng lưới dây chuyền lạnh chất lượng cao và đang bổ sung các chuyến bay giữa Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.
Các quốc gia đang phát triển, đông dân như Ấn Độ chẳng hạn, được cảnh báo sẽ đối mặt nhiều thách thức. Bà Gagandeep Kang - chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Wellcome Trust, thuộc Trường Đại học Y Cơ đốc giáo ở Vellore, cho biết: "Với các chương trình ngừa bệnh bại liệt, chúng tôi đã sử dụng thuyền, la và các nhân viên y tế trực tiếp vận chuyển. Nhưng các chương trình như vậy chỉ được thiết kế cho dưới 1/10 dân số, trong khi vaccine COVID-19 sẽ cần tập trung vào các nhóm khác nhau". Theo bà Kang, Ấn Độ sẽ cần "một loạt các làn sóng tiêm chủng, giải quyết những nhóm khác nhau ngay khi vaccine được lưu hành".