Những ai tới Béclin, đi thăm Cổng Brandenburg, vốn là biểu tượng của sự chia cắt Đông - Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, giờ đây là biểu tượng của sự thống nhất nước Đức thì không thể không để ý tới một khu nhà rộng lớn, nằm chỉ cách đó vài trăm mét, có lá cờ Nga phấp phới trên nóc, đó là Đại sứ quán Liên bang Nga tại CHLB Đức.
Tác giả và các nhà báo trong phòng hội nghị, nơi từng diễn ra Hội nghị 2+4 mở đường cho việc tái thống nhất nước Đức. |
Mặc dù đại sứ quán các cường quốc phương Tây như Mỹ, Anh và Pháp đều nằm trên "khu đất Vàng" xung quanh Cổng Brandenburg, nhưng so về quy mô thì không sứ quán nào ở Béclin có thể sánh với Sứ quán Nga.
Vừa qua, tôi có dịp cùng một đoàn nhà báo nước ngoài tại Béclin được mời vào Đại sứ quán Liên bang Nga, nghe Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vladimir M. Grinin nói về quan hệ Đức - Nga, sau đó được đưa đi giới thiệu về trụ sở Đại sứ quán, tận mắt nhìn thấy bên trong công trình kiến trúc đồ sộ này với những phòng ốc được trang trí hoành tráng, càng thấy sự vĩ đại của nước Nga. Mặt tiền của Đại sứ quán Nga trên phố chính Unter Den Linden chạy dài vài trăm mét, tới phố Glinka và ăn sâu sang tận con đường song song là phố Behren.
Các nhà báo tại phòng quốc huy, bên trên đỉnh cột là quốc huy của các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết trước đây. |
Khuôn viên của tòa đại sứ ngày nay với những công trình xây dựng trong đó đã được Sa Hoàng Nikolai đệ Nhất mua lại của Nữ Công tước Dorothea von Sagan vào ngày 9/1/1837 với giá 105.000 Taler là đồng tiền khi đó, nếu quy đổi giá trị theo sức mua thời đó thì có thể tương đương với 30 triệu USD ngày nay. Đây là mảnh đất đầu tiên mà nước ngoài mua để xây dựng trụ sở cơ quan ngoại giao ở Béclin. Sau đó, Pháp noi theo và mua đất vào năm 1860, Anh năm 1884. Sau khi mua, trong hai năm 1841 và 1842, những công trình xây dựng trong khuôn viên này được cải tạo và xây dựng lại theo thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng Eduard Knoblauch với 101 phòng trên ba tầng nhà. Sa Hoàng Nikolai đệ Nhất đã dùng 149 toa tàu hỏa chở đầy đất từ Nga sang, để các nhà ngoại giao cảm nhận được rằng mình đang đứng trên "đất Nga". Sa Hoàng cũng cho dùng tàu biển chở 13 tấm gương lớn và 14 tấn tôn để làm mái. Căn phòng lớn được trang hoàng lộng lẫy bằng vàng và đá cẩm thạch có thể chứa tới 700 người. Trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, trụ sở Sứ quán bị bỏ không, vì toàn bộ các nhà ngoại giao đã được triệu hồi về nước. Sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga và khi chiến tranh kết thúc, một đoàn ngoại giao của nước Nga Xô viết lại sang tiếp quản nơi này. Sau khi phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô năm 1941, chúng đã bắt giữ các nhà ngoại giao Liên Xô làm con tin và sau đó trao đổi với các nhân viên Sứ quán Đức tại Mátxcơva. Trong chiến tranh, có lúc phát xít Đức sử dụng trụ sở Sứ quán Liên Xô làm trụ sở của "Bộ miền Đông" cho tới khi tòa nhà bị bom, đạn phá hủy vào năm 1942. Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, từ năm 1949 tới 1951, người ta xây dựng lại trụ sở Đại sứ quán theo thiết kế của kiến trúc sư Anatoli Strishewski với diện tích xây dựng lớn gấp ba trụ sở trước đây. Mặt tiền của tòa nhà được lát bằng đá quý, nền nhà cũng được lát bằng đá granit. Cầu thang đi trong nhà được làm bằng đá cẩm thạch. Trên tầng một có một hội trường với 400 chỗ ngồi và sân khấu có thể biểu diễn văn nghệ, ca múa nhạc. Một phòng lớn được gọi là phòng mái vòm cao 19,5 mét, có cửa sổ bằng kính màu mô tả hình tháp Spasskij của Điện Kremlin. Bên phải phòng mái vòm là phòng quốc huy với quốc huy của 16 nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết vào thời điểm xây dựng, sau đó hai nước cộng hòa sáp nhập lại nên chỉ còn 15 nước cộng hòa. Trong phòng này có cột làm bằng đá cẩm thạch trắng và tường làm bằng đá cẩm thạch đỏ. Bên trái phòng mái vòm là phòng gương, nơi diễn ra các hoạt động lễ tân và tổ chức họp báo. Bên cạnh phòng gương là phòng săn, trên tường trưng bày các đầu thú chiến lợi phẩm.
Tại trụ sở Đại sứ quán Liên Xô ở Béclin đã diễn ra nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tứ cường (Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô) năm 1954. Hiệp định Tứ cường về Tây Béclin cũng được thương lượng ở đây vào năm 1970-1971. Trong năm 1990, tại đây cũng diễn ra Hội nghị 2+4, bao gồm CHLB Đức, CHDC Đức và Mỹ, Anh, Pháp, Nga để thảo luận về quy chế đối với nước Đức, mở đường cho việc tái thống nhất nước Đức.
Văn Long (P/v TTXVN tại Đức)