Ngày 14/5, tại thành phố Cochabamba (Bolivia), các ngoại trưởng tham dự hội nghị lần thứ 2 các quốc gia thành viên Công ước về nhân quyền châu Mỹ (CADH) nhằm thảo luận việc cải tổ hệ thống nhân quyền tại châu lục này, đã quyết định thành lập một nhóm làm việc về việc chuyển trụ sở của Ủy ban nhân quyền liên Mỹ (CIDH) ra khỏi Mỹ vì Washington không thông qua công ước trên.
Các ngoại trưởng dự hội nghị (ảnh: ABI) |
Theo tuyên bố cuối cùng của hội nghị, nhóm làm việc trên, do Uruguay
và Ecuador đứng đầu, có nhiệm vụ xác định những vấn đề về ngân sách và
quy chế hoạt động khi chuyển trụ sở của CIDH sang một quốc gia đã thông
qua công ước.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội
nghị, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patiño nêu rõ quyết định về việc
chuyển trụ sở được thông qua tại hội nghị lần thứ nhất các quốc gia
thành viên CADH, diễn ra tại thành phố Guayaquil (Ecuador) và hội nghị
lần thứ 2 lần này đã xác định bước đi để triển khai nó.
CADH,
cũng được biết với cái tên Công ước San José, là một trong những cơ sở
pháp lý để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền tại châu lục. Công ước này được
ký năm 1969 và cho đến nay đã được 24 nước đã thông qua. Trong số 10
nước chưa thông qua văn kiện này có Mỹ. Điều này khiến một số nước đề
nghị rút trụ sở của CIDH khỏi Mỹ.
CIDH là một cơ
quan của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS). Trong thời gian qua một số
nước đã chỉ trích gay gắt hoạt động của CIDH đồng thời nhấn mạnh sự cần
thiết cải tổ hệ thống nhân quyền tại châu Mỹ.
Tháng
4 năm ngoái, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chávez cho biết nước này sẽ
rút khỏi CIDH vì đây là cơ chế được Mỹ sử dụng để chống lại Venezuela.
Tương
tự như vậy, tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Ecuador, Rafael Correa, không
loại trừ việc nước ông sẽ “chia tay” CIDH mà theo ông đã bị các nước
theo chủ nghĩa bá chủ như Mỹ giật dây phục vụ quyền lợi của Washington
và hành động vượt quá chức năng cho phép.
Tháng 3 mới đây, Tổng thống Bolivia, Evo Morales, cũng tuyên bố nước ông xem xét “nghiêm túc” việc rút khỏi CIDH, bị ông ví như một “căn cứ quân sự” của Mỹ, được Washington tài trợ để phán quyết về nhân quyền đối với các nước khác./.
Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)