Nhóm Lữ đoàn Al-Ashtar, tự xưng là "Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Bahrain", đã đưa ra một tuyên bố hôm 2/5 thông báo rằng họ đã nhắm mục tiêu vào trụ sở công ty Trucknet Enterprises của Israel - được cho là "chịu trách nhiệm vận chuyển đường bộ" - ở thành phố cảng Eilat phía Nam Israel. Vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái này xảy ra hôm 27/4.
Theo Lữ đoàn Al-Ashtar, cuộc tấn công được tiến hành "để ủng hộ chính nghĩa của người Palestine và ủng hộ người của chúng tôi kháng cự ở Gaza”.
Nhóm "kháng chiến Hồi giáo ở Bahrain" cũng xác nhận rằng họ đang tiếp tục hỗ trợ ở mọi cấp độ cho những người dân ở Gaza, và sẽ không ngừng hoạt động này cho đến khi chiến dịch của Israel ở Gaza dừng lại.
Tuyên bố trên cho thấy sự nhất quán trong các phát ngôn đã được đưa ra từ các phe phái khác trong “Trục kháng chiến”, bao gồm Hezbollah của Liban (Lebanon), Lực lượng kháng chiến Hồi giáo và phong trào Ansar Allah ở Iraq, Syria, hay nhóm Houthi của Yemen.
Lữ đoàn Al-Ashtar sau đó đã chia sẻ một đoạn video ghi lại cảnh chuẩn bị và thực hiện cuộc tấn công tại một địa điểm không được tiết lộ. Đoạn clip nổi bật với bức chân dung mô tả bốn nhân vật: Reda al-Ghasra, Mustafa Yousef và Mahmoud Yahya - những người đã bị lực lượng an ninh Bahrain tiêu diệt khi tìm cách vượt ngục chạy sang Iran vào năm 2017, cũng như Ahmed al-Malali, kẻ đã bị hành quyết vào năm 2019. Cả bốn tên đều bị chính quyền Bahrain buộc tội khủng bố và được Lữ đoàn Al-Ashtar ca ngợi là những kẻ “tử vì đạo”.
Newsweek đã liên hệ với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và Trucknet, nhưng lực lượng này vẫn chưa xác nhận vụ tấn công.
Đại sứ quán Bahrain tại Mỹ đã chia sẻ với Newsweek một báo cáo của hãng thông tấn nhà nước Bahrain News Agency, trong đó dẫn lời người phát ngôn của Trung tâm Truyền thông Quốc gia Mohammed al-Abbasi nói rằng chính phủ Bahrain coi Lữ đoàn Al-Ashtar là một tổ chức khủng bố hoạt động bên ngoài vương quốc và cái tên này được các quốc gia khác như Anh, Mỹ sử dụng.
Lữ đoàn Al-Ashtar là lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite đối lập với chế độ quân chủ Hồi giáo Sunni cầm quyền ở Bahrain với đa số dân là người Shiite. Nhóm này đã tuyên bố thực hiện các cuộc tấn công ở Bahrain ít nhất là từ năm 2013, bao gồm một số vụ đánh bom nhắm vào nhân viên an ninh. Lữ đoàn Al-Ashtar cùng với các lực lượng dân quân kháng chiến tự phong theo dòng Hồi giáo Shiite khác ở Bahrain như Lữ đoàn Al-Mukhtar và Lữ đoàn Waad Allah, đã bị chính quyền cáo buộc được Iran trực tiếp hậu thuẫn.
Giống như một số lực lượng dân quân thuộc Trục Kháng chiến trong khu vực, lá cờ của Lữ đoàn Al-Ashtar mang hình nắm tay giơ cao một khẩu súng trường kiểu Kalashnikov đặt bên cạnh một quả địa cầu và câu Kinh Qur'an, theo mẫu do Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đặt ra.
Mặc dù không hoạt động tích cực như một số phe trong "Trục kháng chiến" nổi bật hơn ở Liban, Iraq, Syria và Yemen, sự hiện diện của Lữ đoàn Al-Ashtar và các lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite khác đã càng chứng tỏ mối lo ngại an ninh lâu dài đối với các chế độ quân chủ trên bán đảo Arab cũng như đối với Mỹ, quốc gia duy trì một số căn cứ quan trọng trong khu vực. Thủ đô Manama của Bahrain là nơi đặt trụ sở của Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ.
Vào tháng 3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một hành động phối hợp cùng với Bahrain để đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với “ba đặc vụ hoạt động ở Iran và một người hỗ trợ tài chính có liên hệ với Lữ đoàn Al-Ashtar”. Tuyên bố cho biết động thái này nhấn mạnh rằng "cam kết của chính phủ Mỹ nhắm vào các lực lượng gây bất ổn và các mối đe dọa bắt nguồn từ Iran, bao gồm cả những mối đe dọa đối với các đối tác khu vực của chúng tôi" và rằng Mỹ "sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các thành viên và nguồn tài chính của Lữ đoàn Al-Ashtar bất kể chúng ở đâu”.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 28/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói với các phóng viên rằng ông chưa nhận được báo cáo về cuộc tấn công của Lữ đoàn Al-Ashtar nhưng khi nói đến căng thẳng gia tăng trong khu vực, "mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn xung đột lan rộng".
Bahrain, một đồng minh thân cận của nước láng giềng Saudi Arabia, là một trong bốn quốc gia Arab thiết lập quan hệ với Israel thông qua tiến trình Hiệp định Abraham từ năm 2020, trong đó Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Sudan và Maroc cũng bình thường hóa quan hệ. Quyết định này đã gây ra sự tức giận từ các nhóm đối lập trong nước và tiếp tục gây chia rẽ khi các nhà chỉ trích cáo buộc IDF về tội ác chiến tranh trong cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza - điều mà giới lãnh đạo Israel đã thẳng thừng bác bỏ.
Bộ Ngoại giao Bahrain cũng đã một số lần chỉ trích hành động của Israel ở Gaza, bao gồm cả một tuyên bố hôm 28/4 "lên án và tố cáo mạnh mẽ cuộc tấn công của những người định cư Israel cực đoan vào hai đoàn xe viện trợ của Jordan chở thực phẩm và hàng cứu trợ tới Gaza”.
Bahrain cũng là quốc gia Arab duy nhất tham gia liên minh Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng do Mỹ lãnh đạo được thành lập vào tháng 12/2023 để chống lại Houthi trong bối cảnh nhóm phiến quân này tổ chức nhiều cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ và các vùng biển xung quanh.
Lữ đoàn Al-Ashtar cũng không phải là nhóm duy nhất có trụ sở tại Bán đảo Arab tuyên bố thực hiện một cuộc tấn công bằng UAV vào thành phố cảng phía Nam Israel. Vào tháng 11/2023, khoảng một tháng sau cuộc tấn công bất ngờ của phong trào Hamas, một nhóm chưa được biết đến trước đây tự xưng là SWAT Đảo Arab tuyên bố đã tấn công Eilat bằng hai thiết bị bay không người lái.