Ngày 6/3, lực lượng ủng hộ Tổng thống Libi Moamer Kadhafi đã giành lại một loạt các thành phố trọng yếu từ tay quân chống chính phủ, giữa bối cảnh giao tranh ác liệt giữa hai bên xảy ra ở các thành phố phía đông và phía tây thủ đô Tripôli.
Hàng nghìn người dân Libi tập trung tại Quảng trường Xanh ở thủ đô Tripôli ngày 6/3, mừng chiến thắng của quân chính phủ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kênh truyền hình quốc gia Allibiya đưa tin: Quân của ông Kadhafi đã tái chiếm thành phố lớn thứ ba Misrata, thành phố dầu mỏ Ras Lanuf và thành phố Tobruk (nơi án ngữ tuyến đường tới biên giới Ai Cập). Người ta cũng nghe thấy tiếng súng máy nổ dữ dội ở Tripôli.
Allibiya dẫn nguồn tin quân sự tuyên bố lực lượng chính phủ đang hướng tới thành phố lớn thứ hai ở miền đông và là thành trì lớn nhất của quân chống chính phủ Benghazi. Tuy nhiên, hãng AFP dẫn nguồn tin từ phe đối lập phủ nhận thông tin Ras Lanuf và Tobruk đã rơi vào tay quân chính phủ. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Jazeera, một thủ lĩnh phe đối lập cũng khẳng định họ vẫn đang nắm quyền kiểm soát Ras Lanuf.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Journal du Dimanche (Pháp) ngày 6/3, Tổng thống Kadhafi cho biết ông muốn LHQ hoặc Liên minh châu Phi (AU) điều tra tình trạng bạo loạn đang làm rung chuyển nước này. Ông Kadhafi cũng khẳng định sẽ ủng hộ Pháp “điều phối và đứng đầu” cơ quan điều tra này.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Libi Khaled Kaaim nói rằng Tổng thống Kadhafi đã đề nghị Liên đoàn Arập (AL) đảo ngược quyết định hôm 22/2 cấm Libi tham dự các phiên họp của tổ chức này cho đến khi Tripôli đáp lại yêu sách của người biểu tình, đồng thời dọa đình chỉ tư cách thành viên của nước này tiếp sau những cuộc đụng độ khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc thuộc phe đối lập tại Libi hy vọng sẽ sớm được một số quốc gia chính thức công nhận. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng - cựu Bộ trưởng Tư pháp Libi Mustafa Abdel Jalil đã đọc thông cáo của Hội đồng trên sau khi cơ quan này tiến hành cuộc họp chính thức đầu tiên, theo đó, “Hội đồng Dân tộc tuyên bố là đại diện duy nhất trên toàn Libi”. Hội đồng này cũng cho biết đã thành lập Ủy ban khủng hoảng gồm ba thành viên.
Cũng trong ngày 6/3, tình hình an ninh tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi khác vẫn diễn biến phức tạp. Tại Ai Cập, khoảng 2.500 người biểu tình đã xông vào tòa nhà an ninh quốc gia ở thủ đô Cairô, trong khi hàng trăm người tìm cách tiến vào một tòa nhà an ninh quốc gia ở ngoại ô thủ đô, nơi lực lượng bảo vệ bên trong phải bắn chỉ thiên để cố giải tán đám đông.
Đám đông người biểu tình cũng tràn vào trụ sở an ninh quốc gia ở miền tây bắc cũng như xông vào các văn phòng an ninh quốc gia ở vùng châu thổ sông Nile và phía nam Cairô và đốt cháy một tòa nhà an ninh ở gần Cairô.
Tại Baranh, hàng nghìn người biểu tình dòng Shi'ite đã lập nên một hàng rào người khổng lồ vòng quanh thủ đô Manama. Các nhà tổ chức cho biết, một số thành viên của cộng đồng người Sunni thiểu số cũng tham gia sự kiện nói trên.
Biểu tình chống chính phủ lại diễn ra tại Yêmen ngày 6/3 với sự tham gia của hàng nghìn người. Hãng tin AFP cho hay lực lượng an ninh bắn súng cảnh cáo và sử dụng lựu đạn cay để giải tán những người biểu tình ngồi lì bên ngoài đền thờ Al-Nur ở thành phố miền nam Aden. Trong khi đó, Tổng thống Ali Abdullah Saleh vẫn khẳng định ông sẽ tiếp tục nắm quyền cho tới khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2013, bác bỏ kế hoạch của phe đối lập đòi ông từ chức vào cuối năm nay.
Liên quan tới khủng hoảng chính trị tại Libli, tờ Libération (Pháp) bày tỏ lo ngại về nguy cơ kho vũ khí của Tổng thống Kadhafi rơi vào tay lực lượng khủng bố. Hiện nay, theo Libération, trước sức tấn công của lực lượng chống chính phủ, quân đội Libi đã tháo chạy tại một số nơi, bỏ lại vũ khí của họ, đặc biệt là những kho vũ khí đủ chủng loại ở miền đông. Vấn đề là trong số này có những loại khí tài rất nguy hiểm nếu lọt vào tay các phần tử khủng bố. Dưới nhan đề “Kho vũ khí Libi: Nguy cơ khủng bố”, bài báo nhìn nhận đây là chuyện đau đầu đối với Oasinhtơn và NATO. |
Làn sóng biểu tình chống chính phủ đã lan sang Ănggôla, quốc gia giàu kim cương và sản xuất dầu mỏ lớn ở tây nam châu Phi. Ngày 6/3, Ănggôla đã thắt chặt các biện pháp an ninh trước nguy cơ xảy ra một cuộc biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Luanđa với khoảng 20.000 người dân tham gia.
Chính quyền của Tổng thống Ănggôla Eduardo Dos Santos đã tăng cường an ninh tại các khu vực trọng yếu ở thủ đô, nơi hầu hết các cửa hiệu đều đóng cửa và người dân được khuyến cáo không nên đi lại và tụ tập trên đường phố vào những ngày này.
H.H (Tổng hợp)