Thứ trưởng phụ trách về vấn đề chính sách của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Yoo Jeh-seung (phải) và Tư lệnh Quân đoàn số 8 của Mỹ tại Hàn Quốc Thomas Vandal (trái) sau khi ký thỏa thuận thành lập nhóm công tác chung về THAAD ở Seoul ngày 4/3. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Bắc Kinh ngày 7/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nêu rõ trong trong vòng tham vấn về an ninh Đông Bắc Á, diễn ra hôm 4/3 tại Moskva dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu, hai bên đã nhất trí rằng việc triển khai THAAD sẽ làm leo thang căng thẳng, gây phương hại đến tình trạng cân bằng chiến lược trong khu vực và trực tiếp làm tổn hại các lợi ích an ninh chiến lược của Bắc Kinh cũng như Moskva. Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh: "Cả Trung Quốc và Nga đều phản đối mạnh mẽ việc này”.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, hồi tuần trước, Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định bắt đầu cuộc đàm phán chính thức về việc triển khai THAAD sau vụ Triều Tiên thử hạt nhân hôm 6/1 và phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo hôm 7/2 vừa qua.
Mặc dù Washington và Seoul luôn tuyên bố rằng mục đích của việc triển khai THAAD chỉ nhằm đối phó với Triều Tiên, nhưng Trung Quốc và Nga lo ngại rằng hệ thống radar của THAAD có thể theo dõi được cả các hoạt động của hai nước này.
Liên quan đến các cuộc tập trận quân sự chung đang diễn ra giữa Hàn Quốc và Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nhấn mạnh Bắc Kinh bày tỏ "đặc biệt quan ngại" về hoạt động trên, cũng như lưu ý "các tuyên bố đe dọa” của Triều Tiên đối với liên quân Mỹ - Hàn. Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh: “Trung Quốc kịch liệt phản đối bất kỳ hành động gây rắc rối nào (trên bán đảo Triều Tiên), cũng như sẽ không chấp nhận bất kỳ hành vi tương tự”.
Trước đó cùng ngày, quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu các cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay mang tên “Giải pháp Then chốt” và “Đại bàng non", trong đó tập trung đặc biệt vào việc nâng cao khả năng chiến đấu của hai nước đồng minh này trong việc phát động các cuộc tấn công chính xác nhằm vào giới lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên. Các cuộc tập trận này có sự tham gia của khoảng 17.000 lính Mỹ - con số lớn nhất của các lực lượng Mỹ trong khoảng 40 năm qua và gấp đôi con số của năm ngoái.
Dự kiến, cuộc tập trận “Giải pháp Then chốt” sẽ kéo dài đến giữa tháng ba này, trong khi cuộc tập trận “Đại bàng non” sẽ kéo dài đến cuối tháng Tư tới. Hoạt động trên được tiến hành trong bối cảnh tình trạng căng thẳng quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đang gia tăng và Bình Nhưỡng đã đe dọa thực hiện “tấn công toàn diện” chống liên quân Mỹ - Hàn.