Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 22 người liên quan đến vụ sản xuất bao thuốc con nhộng chế từ da động vật phế thải. Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt các vụ bê bối an toàn sản phẩm tại Trung Quốc thời gian gần đây.
Một cán bộ Cơ quan Quản lý Dược – Thực phẩm Trung Quốc kiểm tra thuốc viên con nhộng tại một cửa hàng dược ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. |
Tân Hoa xã cho biết, cảnh sát tỉnh Triết Giang phát hiện các nghi phạm đã sản xuất và bán những loại bao thuốc con nhộng với hàm lượng chromium cao quá mức cho phép do sử dụng gelatin công nghiệp, chế từ da thải của động vật. Ít nhất một nửa số người bị bắt nói trên làm việc cho các nhà sản xuất thuốc ở huyện Xinchang, một cơ sở sản xuất quan trọng của tỉnh Triết Giang.
Theo Tân Hoa xã, chromium được dùng trong ngành thuộc da, là hóa chất có thể gây ung thư. Chất gelatin công nghiệp sử dụng trong sản xuất bao con nhộng tại Triết Giang được cung cấp từ các nhà máy khác ở các tỉnh Hà Bắc và Giang Tây.
Trong một động thái liên quan, cảnh sát cũng đã bắt giữ Song Xunjie, một chủ nhà máy ở Hà Bắc vì đã phóng hỏa đốt xưởng nhằm tiêu hủy tang vật chế tạo gelatin công nghiệp. Nghi phạm là giám đốc nhà máy Gelatin Xueyang Glair này bị cáo buộc cung cấp gelatin cho các công ty trên khắp Trung Quốc, trong đó có cả doanh nghiệp dược.
Cơ quan quản lý Dược – Thực phẩm Trung Quốc (SFDA) cũng đã ngừng lưu hành 13 loại thuốc được xác định là có hàm lượng chromium vượt tiêu chuẩn cho phép.
Những năm gần đây, tại Trung Quốc đã xảy ra một loạt vụ bê bối an toàn liên quan đến thực phẩm, dược phẩm, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm. Tháng 11 năm ngoái, nhà chức trách đã bắt giữ một băng nhóm chuyên sản xuất và bán thuốc giả, trong đó có những loại thuốc làm từ thức ăn gia súc, đồng thời thu giữ hơn 65 triệu viên thuốc giả.
Năm 2007, ông Zheng Xiaoyu, cựu giám đốc SFDA, đã bị xử tử hình vì nhận hối lộ 850.000 USD để cấp phép cho hàng trăm loại dược phẩm, trong đó nhiều loại được phát hiện là nguy hiểm tới sức khỏe.
Thu Hằng (Theo AFP)