Trung Quốc: Cái giá đắt cho đầu tư tràn lan ở châu Phi

Theo báo Hồng Công “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” ngày 25/2, trong bối cảnh tình hình hỗn loạn ở Libi tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến các lợi ích kinh doanh của Trung Quốc tại quốc gia Bắc Phi này, thiệt hại đang tăng lên và có lẽ đây sẽ là bài học cay đắng nhất cho chiến lược đầu tư hướng ngoại rầm rộ của Bắc Kinh, đặc biệt ở lục địa đen giàu tài nguyên.

Suốt một thập kỷ qua, đầu tư ra nước ngoài là lời kêu gọi của chính quyền trung ương Trung Quốc với mục đích nhằm để các công ty, tập đoàn quốc nội mở rộng, khai phá được những cơ hội trên thị trường quốc tế, nhất là ở những nơi giàu tài nguyên tự nhiên để đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế tăng trưởng chóng mặt.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đầu tư và quản lý rủi ro nhận xét rằng tình hình rối ren chính trị tại Libi đang buộc Bắc Kinh phải có cái nhìn chặt chẽ hơn vào mặt tối của chiến lược đầu tư không giới hạn, không ràng buộc của Trung Quốc tại châu Phi.

Năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi với tổng đầu tư trực tiếp hơn 9 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng vọt tới 70% vào năm 2015. Thương mại và đầu tư tại Libi của Trung Quốc khá khiêm tốn, nhưng đang mở rộng nhanh chóng kể từ khi Liên hợp quốc dỡ bỏ các cấm vận với quốc gia Bắc Phi này trong năm 2003. Năm ngoái, thương mại hai chiều đạt 6,6 tỷ USD.

Zheng Wei, trưởng khoa bảo hiểm và quản lý rủi ro của trường Kinh tế thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận xét: “Trung Quốc cần học cách lưu ý đến những rủi ro chính trị toàn cầu. Đây là một bài học quan trọng mà chính phủ cần rút ra. Vụ Libi chính là một lời cảnh báo”.

Liu Xinli, một giáo sư về quản lý rủi ro khác của Đại học Bắc Kinh, cho biết trường hợp Libi sẽ được bà đưa vào hội thảo như một ví dụ điển hình cho những nguy cơ mà các công ty Trung Quốc giàu tham vọng phải đối mặt khi đầu tư ra nước ngoài.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết tính đến giữa tuần này, đã có 26 địa điểm xây dựng và cơ sở kinh doanh Trung Quốc tại Libi bị “tấn công và cướp bóc”. Theo bộ trên, Trung Quốc đang chịu thiệt hại kinh tế trực tiếp rất lớn ở Libi, nhưng không đưa ra ước tính giá trị cụ thể.

Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) sau khi nhiều tài sản bị cướp bóc đã ngừng mọi dự án ở Libi. CRCC đầu tư tới 5,2 tỷ USD vào quốc gia Bắc Phi này với những dự án quan trọng như tuyến đường sắt Tuynidi-Ai Cập. Giám đốc CRCC, Yu Xingxi thừa nhận nếu bất ổn chính trị dai dẳng, tập đoàn sẽ chịu rủi ro kinh tế lớn.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), nhà sản xuất dầu lớn nhất nước này, đang phải gấp rút sơ tán công nhân. Libi, nhà sản xuất dầu lớn thứ ba và sản xuất khí đốt lớn thứ tư châu Phi, có khoảng 36.000 người Trung Quốc đang làm việc tại 50 dự án lớn, chủ yếu trong các lĩnh vực dầu mỏ, đường sắt và viễn thông.

Cui Shoujun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng quốc tế thuộc Đại học Nhân dân (Trung Quốc) đánh giá nhiều dự án năng lượng của Trung Quốc tại châu Phi dựa trên những quan hệ song phương với các chính quyền độc tài hơn là các hợp đồng kinh doanh thuần túy: “Dạng quan hệ này rất dễ bị nguy hiểm bởi những biến động chính trị ở các nước đó”.

Giáo sư Zheng Wei cũng bình luận: “Đây là một nguy cơ có thể lấy đi mọi lợi ích tiềm năng, đánh sập nhanh chóng tất cả những gì bạn đã xây dựng trong nhiều năm bởi một quy định mới của chính quyền hay đơn giản là một thay đổi chế độ”.

Giáo sư trên cho rằng đáng lo ngại là đến giờ, không nhiều người Trung Quốc quan tâm hay sẵn sàng đối mặt với vấn đề. Trung Quốc đã cho châu Phi vay nhiều tỷ USD với ít điều kiện ràng buộc. Bắc Kinh đang theo đuổi việc thu thập tài nguyên tự nhiên ở lục địa này, xây dựng đường sá, cầu cống, nhà máy điện, khoan giếng dầu, đặt cáp viễn thông… mà rất nhiều dự án ở các quốc gia đầy nguy cơ bất ổn như Dimbabuê, Ănggôla, Xuđăng. Theo Zheng Wei,

Chính phủ Trung Quốc không nên chỉ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hướng ngoại mà còn cần yêu cầu họ có những nhận thức, kỹ năng quản lý rủi ro tốt hơn.

TTXVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN