Theo hãng tin AFP, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc hôm 21/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ không xây thêm các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài.
“Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ những nước phát triển khác trong phát triển năng lượng xanh và phát thải carbon thấp, đồng thời không xây dựng các dự án nhiệt điện mới ở nước ngoài”, ông Tập Cận Bình cho biết trong bài phát biểu được phát qua video.
Ông cũng tuyên bố sẽ đẩy nhanh các nỗ lực để Trung Quốc, đất nước phát thải lớn nhất thế giới, trở thành nước phát thải trung bình vào năm 2060. “Điều này đòi hỏi nỗ lực làm việc và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt được những mục tiêu này”, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho hay.
Trung Quốc là quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới. Trong thời gian tới, Bắc Kinh vẫn tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất tại các dự án điện than ở các nước đang phát triển như Indonesia và Bangladesh, cùng với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến Vành đai - Con đường.
Theo các tổ chức phi chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc đã cung cấp 35 tỉ USD cho các dự án điện than kể từ khi ký kết Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015.
Tuyên bố của ông Tập Cận Bình được đưa ra trong thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định tăng gấp đôi đóng góp của Washington đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh các động thái trên. Theo ông Guterres, nỗ lực của Trung Quốc đẩy nhanh giai đoạn toàn cầu loại bỏ sử dụng than đá, còn đóng góp của Mỹ giúp các quốc gia tiến gần hơn đến cam kết chung, nhằm huy động 100 tỉ USD mỗi năm để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng, đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry cho biết việc xây dựng thêm nhiều nhà máy than “thể hiện thách thức đáng kể với nỗ lực đối phó khủng hoảng khí hậu của thế giới”. Vào năm ngoái, Trung Quốc đã vận hành nhà máy nhiệt điện mới có công suất ,4 gigawatt, cao hơn gấp 3 lần công suất của các nhà máy điện đang vận hành trên toàn cầu.