Máy bay Boeing 747-400 của hãng hàng không Air China tại sân bay ở Hong Kong, Trung Quốc ngày 1/7/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo nguồn tin trên, có thể Trung Quốc cũng xem xét giảm mua trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, một động thái nhiều khả năng sẽ làm leo thang hơn nữa căng thẳng thương mại những ngày gần đây giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trung Quốc là nước mua đậu nành của Mỹ nhiều nhất thế giới và cũng là một khách hàng lớn của hãng sản xuất máy bay Boeing của nước này. Hồi đầu tháng 3 này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc hiện mua 65% số đậu nành Mỹ xuất khẩu và 25% tổng số máy bay Boeing bán ra.
Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 1, Bắc Kinh sở hữu số trái phiếu trị giá khoảng 1.200 tỷ USD do Bộ Tài chính Mỹ phát hành. Lượng cầu đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm có thể khiến lãi suất tại Mỹ tăng cao, ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư và nền kinh tế.
Trước đó, ngày 23/3, Trung Quốc đã cảnh báo sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ tổng giá trị 3 tỷ USD, sau khi Tổng thống Trump cho phép đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá khoảng 60 tỷ USD, chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực mà Washington cho là đã "ăn cắp" công nghệ của Mỹ. Bắc Kinh đã công bố danh sách những sản phẩm có thể bị tăng thuế lên 25%, tuy nhiên, Trung Quốc chưa thực hiện ngay biện pháp này mà muốn có thời gian để đôi bên thỏa thuận.
Cũng trong ngày 23/3, mức thuế nhập khẩu gây tranh cãi 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ tạm hoãn áp mức thuế này đối với các đối tác thương mại chính của Mỹ, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) cùng Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc. Động thái này của Mỹ được cho là "chọc tức" Trung Quốc khi quốc gia này đang là nhà xuất khẩu thép số 1 thế giới và làm dấy lên quan ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu.