Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Bán đảo Triều Tiên đang rơi vào một "chu kỳ dữ dội" nhưng vẫn có cơ hội cho giải pháp hòa bình. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra ngày 9/12 rằng tình hình tại Bán đảo Triều Tiên có "triển vọng không mấy lạc quan".
Ông Vương Nghị nhận định rằng Mỹ và Hàn Quốc cần ngừng các cuộc tập trận chung trong khi đó Triều Tiên ngưng chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Chúng ta nên kéo Bán đảo Triều Tiên khỏi hố đen đối đầu để tạo điều kiện cần thiết khôi phục đối thoại”.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào ngày 7/12 cho biết Triều Tiên đang tìm kiếm đối thoại trực tiếp với Mỹ và Moskva sẵn sàng ủng hộ cũng như hỗ trợ điều này. Thứ trưởng Ngoại giao nước này Igor Morgulov vào ngày 5/12 cũng khẳng định Moskva đã mở kênh liên lạc với Triều Tiên.
Tại một cuộc họp báo ngày 8/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định Bắc Kinh đánh giá cao đề nghị của Nga. Ông Cảnh Sảng nêu rõ: "Chúng tôi chào đón nỗ lực từ mọi phía, bao gồm cả Nga, để đem đến đối thoại vì một giải pháp hòa bình".
Mặc dù Trung Quốc đã hoan nghênh đề nghị của Nga về tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên nhưng các nhà quan sát lại coi động thái này là minh chứng về việc Bình Nhưỡng rời xa Bắc Kinh.
Ông Wu Xinbo, một học giả tại trường Đại học Fudan ở Thượng Hải, nhận định rằng chính tình trạng quan hệ giảm sút giữa Triều Tiên và Trung Quốc đang tạo điều kiện để Nga gia tăng ảnh hưởng tới Bình Nhưỡng.
Hãng tin Sputnik (Nga) đánh giá rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã đi xuống sau khi Bình Nhưỡng giận dữ trước việc Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt gần đây của Liên hợp quốc.
Ông Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua (Trung Quốc) nhận định với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng Bình Nhưỡng rất không vui khi Bắc Kinh ủng hộ những biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc. “Nếu Trung Quốc ủng hộ trừng phạt kinh tế trực tiếp đe dọa tới sự ổn định của chính quyền Triều Tiên thì có khả năng Bình Nhưỡng sẽ trở nên thù địch với Bắc Kinh như với Washington”, ông Zhao Tong phân tích.
Sự kiện gây xôn xao gần đây là phái viên đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - ông Song Tao, Vụ trưởng Vụ Quốc tế thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc- đã không thể gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 11. Chuyến thăm của ông Song Tao được ghi nhận là lần đầu tiên kể từ năm 2015 một quan chức cấp cao Trung Quốc đến công du Triều Tiên.
Trong khi đó, chính phía Mỹ cũng ghi nhận vai trò của Nga đối với vấn đề Triều Tiên. Đài VOA (Mỹ) dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster trong một diễn đàn an ninh tổ chức vào tháng 10 kêu gọi Nga hỗ trợ thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và chính quyền của ông này hướng tới việc phi hạt nhân Bán đảo Triều Tiên để "tránh hậu quả nghiêm trọng".
Ông Andrei Lankov tại Đại học Kookmin (Hàn Quốc) đánh giá Nga luôn mong muốn tránh xung đột đồng thời duy trì được vai trò trên trường quốc tế.