Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 6/6, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân tuyên bố: "Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại lớn về việc phá hủy đập tại nhà máy thủy điện Kakhovka". Ông Trương Quân cho rằng việc vỡ đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnipro có thể gây nguy hiểm cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Ông Trương Quân cho biết, hồ chứa Kakhovka là nguồn cung cấp nước làm mát chính cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu; đồng thời cảnh báo nước trong hồ chứa tiếp tục rút "và không thể tiếp tục bơm nước cho nhà máy điện hạt nhân trong tương lai".
Ông tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi kiềm chế tối đa, tránh những phát ngôn và hành động có thể leo thang đối đầu và dẫn đến tính toán sai lầm, đồng thời duy trì sự an toàn và an ninh của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia".
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị hỗ trợ Ukraine trong việc giải quyết hậu quả của vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnipro ở Kherson.
Thông báo trên tài khoản Twitter sau cuộc trò chuyện với Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết EU sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết và viện trợ nhân đạo để giảm thiểu hậu quả của thảm họa vỡ đập.
Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình Solovyov Live TV, quan chức cấp cao chính quyền tỉnh Kherson, ông Vladimir Leontyev, cho biết mức độ thiệt hại tại Nhà máy Thủy điện Kakhovka là "rất nghiêm trọng".
Hình ảnh vệ tinh được chụp vào chiều 6/6 do công ty Maxar Technologies cung cấp cho thấy lũ lụt trên diện rộng ở miền Nam Ukraine sau vụ vỡ đập, với nhiều làng mạc và thị trấn chìm trong biển nước, trong khi đập Kakhovka và phần lớn nhà máy thủy điện đã bị phá hủy. Phía Ukraine cáo buộc Nga cho nổ con đập, trong khi Moskva cho rằng Kiev tiến hành pháo kích là một trong các nguyên nhân gây vỡ đập.
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết, tổ chức này không có bất kỳ thông tin độc lập nào về vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka, song mô tả đây là “một hậu quả tàn khốc khác" của cuộc xung đột Ukraine.
Ông Guterres nhấn mạnh đây là một "thảm họa nhân đạo, kinh tế và sinh thái lớn. Ít nhất 16.000 người đã mất nhà cửa, nguồn cung cấp nước sạch và mất an toàn. Hàng nghìn người khác có nguy cơ bị ảnh hưởng".