Ông Trương Hướng Thần (giữa). THX/TTXVN |
Trong khi đó, Tân Hoa Xã cho biết lãnh đạo ngành công nghiệp sắt thép Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ những thách thức từ Mỹ và kiên quyết ủng hộ các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh đối với những sản phẩm nhập khẩu của Mỹ. Tổng Thư ký Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc Lưu Chấn Giang nêu rõ dù không muốn nổ ra chiến tranh thương mại, song Trung Quốc không hề e sợ các cuộc chiến như vậy.
Theo ông, kể từ năm 2015, Mỹ đã khởi động hàng loạt các biện pháp bảo hộ thương mại nhằm vào thép nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cho rằng các biện pháp này của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gây bất ổn cho thế giới.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 3/4 đã công bố một danh sách các sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 50 tỷ USD từ Trung Quốc có thể là mục tiêu của hoạt động đánh thuế để phản ứng với các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc liên quan việc Trung Quốc "cưỡng ép" các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và tài sản thuộc quyền sở hữu trí tuệ.
Danh sách những sản phẩm dự kiến bị áp thuế dựa trên sự phân tích kinh tế liên ngành của Mỹ và nhằm vào các sản phẩm được hưởng lợi từ kế hoạch phát triển công nghiệp của Trung Quốc, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất tác động đối với nền kinh tế Mỹ. Các ngành công nghiệp bị đánh thuế của Trung Quốc gồm hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin và truyền thông, robot, máy móc.
Danh sách dự kiến ước tính 1.300 sản phẩm riêng lẻ và phải trải qua đợt đánh giá bổ sung dưới hình thức lấy ý kiến đánh giá của dư luận Mỹ, gồm cả điều trần tại Quốc hội Mỹ. Sau khi hoàn thành tiến trình này, USTR sẽ đưa ra bản danh sách cuối cùng về những sản phẩm của Trung Quốc sẽ bị đánh thuế bổ sung.
Thông báo của USTR được đưa ra sau vài ngày chính cơ quan này chính thức gửi yêu cầu tham vấn với Trung Quốc lên WTO với cáo buộc Bắc Kinh phân biệt đối xử trong chuyển giao công nghệ. Những cuộc tham vấn này là bước đi đầu tiên trong tiến trình giải quyết tranh chấp của WTO.
Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể đạt được thỏa thuận thông qua tham vấn, Mỹ có thể yêu cầu thành lập cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO để đánh giá về các vấn đề liên quan.