Theo đó, liệu pháp “cocktail kháng thể” gồm các kháng thể đơn dòng BRII-196 và BRII-198 của công ty Brii Biosciences đã được phê duyệt để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc trung bình nhưng có nguy cơ cao dẫn đến nhập viện hoặc tử vong. Thuốc này có thể sử dụng ở cả người lớn và thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.
Tháng 10 vừa qua, Brii Biosciences cho biết trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, liệu pháp kháng thể đơn dòng của công ty đã cho thấy “kết quả đầy hứa hẹn”, giúp giảm 78% tỷ lệ nhập viện và tử vong ở các nhóm có nguy cơ cao. Kết quả này được đưa ra dựa trên các nghiên cứu tại 6 quốc gia thuộc 4 lục địa và 111 cơ sở nghiên cứu lâm sàng tại thời điểm thế giới ghi nhận nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Phương pháp điều trị này do công ty Brii Biosciences phối hợp phát triển với nhóm nghiên cứu của Giáo sư Zhang Linqi tại Đại học Thanh Hoa, Bệnh viện Nhân dân số 3 ở thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông). Kể từ ngày 5/11, thuốc đã được cấp phát cho gần 700 bệnh nhân, phục vụ cho công tác điều trị khẩn cấp. Hiện công ty đang nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc này tại Mỹ.
* Cùng ngày 8/12, Cơ quan Quản lý Sản phẩm y tế Nam Phi (SAHPRA) đã cấp phép tiêm mũi tăng cường cho tất cả những người trên 18 tuổi đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, SAHPRA cho biết những người trên 18 tuổi đủ điều kiện sức khỏe có thể tiêm nhắc lại vaccine của Pfizer/BioNTech 6 tháng sau mũi thứ hai. Trong khi đó, những người có hệ miễn dịch kém có thể tiêm nhắc lại sau 28 ngày kể từ mũi tiêm thứ hai. Điều kiện này có thể áp dụng đối với cả trẻ em từ 12-17 tuổi. Vaccine của hãng Pfizer/BioNTech đã được SAHPRA phê duyệt vào tháng 3 năm nay.
Đầu tháng 11, Nam Phi bắt đầu thử nghiệm việc tiêm mũi tăng cường vaccine của hãng Johnson & Johnson (J&J) cho các nhân viên y tế. Trước đó, vaccine J&J một mũi duy nhất được tiến hành tiêm đầu tiên cho các nhân viên y tế tuyến đầu và sau đó là nhân viên ngành giáo dục ở nước này.