Đây là tuyên bố của giới chức Trung Quốc đưa ra tại một cuộc họp của WTO ngày 13/11.
Theo hãng tin Reuters, một quan chức Bắc Kinh nhấn mạnh theo lập trường của Trung Quốc, mục đích thực sự của các biện pháp của Mỹ là nhằm duy trì các lợi ích mang tính độc quyền của Washington trong ngành công nghiệp chế tạp vi mạch điện tử.
Theo quan chức trên, FJICC chưa đi vào sản xuất và chưa thể đạt tới mức độ gây mối đe dọa đối với các nhà sản xuất bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) của Mỹ.
Ông nhấn mạnh những cáo buộc của Mỹ đưa ra là không xác đáng và Bắc Kinh phản đối sự giả định về việc các công ty Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Hồi cuối tháng 10 vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cấm xuất khẩu các linh kiện, phần mềm và sản phẩm công nghệ của Mỹ cho FJICC, mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại và công nghệ với Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã đưa công ty FJICC vào danh sách các thực thể không được mua những sản phẩm trên từ các công ty của Mỹ do nguy cơ khả năng vi mạch mới của hãng này có thể đe dọa các hãng cung cấp sản phẩm vi mạch tương tự của Mỹ cho các hệ thống quân sự.
Trước đó, Micron Technology Inc, một công ty sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, đã khởi kiện FJICC cùng đối tác khác là United Microelectronics Corp của Đài Loan (Trung Quốc) với cáo buộc hai công ty này đánh cắp các mẫu thiết kế con chip.
Ngay sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản đối quyết định trên, đồng thời hối thúc Washington ngừng ngay lập tức điều mà Bắc Kinh gọi là "hành động sai trái" này.
Chính phủ Mỹ cũng đưa ra quyết định cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc trong vòng 7 năm do nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.