Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: REUTERS/TTXVN |
Trả lời họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố nước này phản đối bất kỳ vụ phóng tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Theo bà Hoa Xuân Oánh, tình hình của bán đảo Triều Tiên vẫn rất nhạy cảm và các bên cần kiềm chế để tạo ra các điều kiện cần thiết cho việc nối lại đối thoại và đàm phán.
Người phát ngôn cũng cho rằng "sức ép và các biện pháp trừng phạt" chống Triều Tiên "không thể giải quyết cơ bản vấn đề".
Cũng liên quan đến phản ứng của các nước về vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, ngày 29/8, người đứng đầu Ủy ban về các vấn đề quốc tế Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Konstantin Kosachev cho rằng các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng cho thấy những đe dọa của họ đối với căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại đảo Guam trên Thái Bình Dương không phải là trò đùa.
Ông Kosachev viết trên trang Facebook cá nhân: "Bình Nhưỡng đã cho thấy lời đe dọa nhắm tên lửa về phía căn cứ Mỹ tại Guam không phải nói chơi”. Ông Kosachev cũng nhận định rằng, vụ phóng tên lửa khiêu khích này cho thấy thế bế tắc trong vấn đề Triều Tiên, khi Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hồi đầu tháng đã không đạt được mục đích, mà lại biến thành chế độ đối đầu song phương Triều Tiên-Mỹ. Theo ông Kosachev, các nước khác tác động đến cuộc đối đầu này ít hơn, còn “khả năng gây sức ép của cộng đồng quốc tế phụ thuộc vào tâm trạng của Washington”.
Thượng nghị sĩ này chỉ ra rằng nếu tiếp tục yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, yêu cầu tính chất minh bạch từ phía Bình Nhưỡng; song lại cho Mỹ có quyền tiến hành bất cứ hành động nào; thậm chí là can thiệp quân sự nhằm thay đổi chế độ tại Triều Tiên, thì “cái vòng luẩn quẩn” sẽ chỉ càng thêm phức tạp.
Ông Kosachev đồng tình với quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên khi cho rằng biện pháp duy nhất hiệu quả và khôn ngoan để giải quyết xung đột là triển khai “cách tiếp cận song phương”, “nhượng bộ đổi lấy nhượng bộ”.
Theo ông, đây cũng là quan điểm của phía Nga. Ông cũng kêu gọi HĐBA LHQ nếu được triệu tập theo yêu cầu của Nhật Bản thì nên thảo luận theo hướng này.