Theo ông Lưu Côn, tổng mức cắt giảm thuế của Trung Quốc trong năm 2018 dự kiến vượt 1.300 tỷ NDT.
Trong khi đó, nhà kinh tế Xu Hongcai của Trung tâm Trung Quốc về Trao đổi Kinh tế Quốc tế cho rằng quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC, Ngân hàng Trung ương) đưa ra vào ngày 7/10 là “rất đúng lúc” và đủ mạnh để hỗ trợ thúc đẩy niềm tin trong nền kinh tế Trung Quốc.
Theo ông Xu Hongcai, những tác động của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang xuất hiện và Trung Quốc có thể tiếp tục cắt giảm tỷ lệ RRR thêm 1 điểm phần trăm đối với các ngân hàng trong nước vào cuối năm nay.
Còn theo nhà kinh tế kỳ cựu Zhang Yiping của Merchants Securities ở Thâm Quyến (Trung Quốc), lượng tiền mặt hiện nay trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc khá dồi dào và vấn đề chính là làm cách nào để đưa tiền mặt vào nền kinh tế thực. Chuyên gia này nhận định, môi trường bên ngoài đang ngày càng kém thuận lợi hơn và khả năng PBoC tiếp tục cắt giảm tỷ lệ RRR là không thể loại trừ.
Trước đó, PBoC ngày 7/10 đã quyết định giảm tỷ lệ RRR khoảng một điểm phần trăm cho hầu hết các ngân hàng. Đây là lần thứ tư trong năm nay Bắc Kinh tìm cách “giải phóng” nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp khi họ phải đối mặt với mức thuế trị giá 250 tỷ USD từ Mỹ.
Quyết định cắt giảm lượng tiền mặt mà hầu hết các ngân hàng thương mại và nước ngoài phải giữ dự phòng, để trả nợ vay thông qua kênh cho vay trung hạn (MLF) của ngân hàng trung ương, sẽ có hiệu lực vào ngày 15/10. Theo đó, sẽ có khoảng 450 tỷ NDT (965,6 tỷ USD) được sử dụng để chi trả cho các MLF và PBoC có thể sẽ “giải phóng” thêm 750 tỷ NDT khác.