Trước đó, ngày 22/5, trong Báo báo công tác thường niên của Chính phủ được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Bắc Kinh đã quyết định “để ngỏ” mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho năm 2020, vì những bất ổn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Nhận định về động thái này, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng nếu cứ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP một cách cứng nhắc, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ để đạt tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, điều đó không phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia Đông Bắc Á này.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh tỏ ra khá thận trọng với các hoạt động tín dụng giữa bối cảnh nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng chậm lại kể cả trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Bên cạnh đó, cũng trong Báo cáo công tác, Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp tài khóa trị giá lên đến 4,1% GDP của nước này, theo tính toán của Reuters, nhằm củng cố nền kinh tế. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế đã kỳ vọng về những gói kích thích mạnh mẽ hơn. Điều này cho thấy sự khác biệt về quan điểm đang tồn tại giữa các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc. Trong khi một số người ủng hộ một cách tiếp cận có kiểm soát để hỗ trợ nền kinh tế, thì những người khác lại mong chờ các biện pháp mạnh mẽ hơn, bất chấp rủi ro tài chính.