Phát biểu tại một cuộc họp mới đây ở Tianchang thuộc tỉnh An Huy (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ye Zhenqin cho biết, Trung Quốc cũng đang mở rộng cải cách sở hữu đất nông thôn. Tổng cộng, Trung Quốc dự kiến tiến hành chương trình cải cách thử nghiệm đối với 300 huyện trong năm 2018.
Theo ông Ye Zhenqin, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc cũng có thể tiến hành chương trình trên ở các địa phương khác tùy thuộc vào nhu cầu của từng địa phương. Ông Ye Zhenqin cho rằng chương trình cải cách này cơ bản sẽ hoàn tất vào cuối năm 2021.
Trung Quốc đã khởi động đợt cải cách này vào năm 2014 nhằm tăng thêm quyền cho người nông dân để hưởng lợi từ đất chung của các làng xã. Chương trình thử nghiệm này là một sự liên kết quan trọng với chiến lược hồi sinh khu vực nông thôn của Trung Quốc, đã phát triển nhanh chóng. Sau một năm tiến hành cải cách, khu vực trồng ngô ở Trung Quốc đã giảm khoảng 2 triệu ha, trong khi diện tích trồng đậu tương tăng thêm 660.000 ha.
Khu vực nông thôn cũng là “mặt trận” chính của hai trong số ba nhiệm vụ quan trọng của Trung Quốc là ngăn chặn và giảm bớt những rủi ro lớn, hướng tới giảm nghèo và ứng phó với tình trạng ô nhiễm môi trường, theo một thông báo tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc diễn ra mới đây.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cam kết đảm bảo chất lượng của những nỗ lực giảm nghèo, tập trung vào hỗ trợ các nhóm đối tượng đặc biệt và giảm tỷ lệ đói nghèo.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tiến hành hạn chế sử dụng hóa chất. Mức tăng trưởng của lượng phân bón sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp của Trung Quốc trong năm 2016 là xấp xỉ 0%, lần đầu tiên kể từ khi nước này tiến hành cải cách và mở cửa nền kinh tế. Theo một kế hoạch của Trung Quốc, các khu vực trồng rau quả, cây chè cần giảm bớt ít nhất 20% lượng phân bón hóa học sử dụng vào năm 2020.