Theo đó, Trung Quốc đã tiếp cận với nhiều nước để thảo luận về khả năng nới lỏng kiểm soát biên giới, cho phép giới doanh nhân được khôi phục lại hoạt động di chuyển xuyên biên giới, coi đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm khôi phục nền kinh tế bị đình trệ bởi dịch COVID-19.
Sau những dấu hiệu ban đầu về thành công trong kiểm soát lây nhiễm nội địa, quan chức Trung Quốc trong vài tuần trở lại đây đã đề xuất với đồng cấp nước ngoài cùng nỗ lực khai thông việc di chuyển cần thiết đối với các hoạt động kinh tế. Các nguồn tin cho biết Trung Quốc đã tiếp cận với hơn 10 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cụ thể, Trung Quốc đã nêu ý tưởng này, cả theo kênh chính thức và không chính thức, với phía Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Hàn Quốc và Singapore đã chính thức đồng ý xúc tiến thảo luận về nội dung này. Bắc Kinh cũng đã tiếp cận với một số quốc gia châu Âu về cho phép thực hiện một số hoạt động di chuyển cần thiết đối với hoạt động duy trì chuỗi cung.
Trung Quốc là một trong những nước áp dụng quy định kiểm soát đi lại chặt chẽ nhất trên thế giới, với mục đích ngăn chặn dịch COVID-19 tái bùng phát từ các ca lây nhiễm nhập khẩu. Từ cuối tháng 3, Trung Quốc đã ngừng nhập cảnh đối với hầu như tất cả công dân nước ngoài, chỉ cho phép thực hiện một số tuyến đường bay quốc tế nhất định. Tuy nhiên, trước đó chính phủ nước này đã chỉ trích các nước hạn chế các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, cho rằng điều này đi ngược lại với các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đề xuất nới lỏng kiểm soát biên giới được đưa ra tại thời điểm Trung Quốc đẩy nhanh các nỗ lực nhằm khôi phục hoạt động kinh tế, sửa đổi những hạn chế trong chuỗi cung toàn cầu vốn bị rạn nứt bởi các chính sách cách ly xã hội và phong tỏa biên giới. Hôm 17/4, Trung Quốc công bố thông tin GDP trong quý 1 giảm 6,8% và là quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ khi nước này tiến hành thông báo tình hình kinh tế quý vào năm 1992.
Ý tưởng của Trung Quốc, vốn được một số quan chức gọi là “phân luồng xanh” hay “thiết lập luồng nhanh” trong xử lý nhập cảnh, sẽ miễn trừ một số đối tượng, ví như giới lãnh đạo doanh nghiệp. Số này sẽ nằm ngoài phạm vi các lệnh cấm đi lại, đo thân nhiệt, cách ly hiện hành. Để làm được điều đó, nhiều khả năng chính phủ các nước sẽ phải đồng thuận chấp nhật kết quả xét nghiệm COVID-19 của nhau. Khi đó, số đối tượng được miễn trừ sẽ làm xét nghiệm trước khi khởi hành, thay cho xét nghiệm trong và sau thời điểm xuống sân bay và họ sẽ không phải tuân thủ các biện pháp cách ly bắt buộc ở nước sở tại, để có thể bắt tay thực hiện công việc theo chức trách tức thời.
Bị tác động bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp hiện thường tiến hành họp và các hoạt động điều phối khác qua truyền hình trực tuyến. Nhưng giới lãnh đạo điều hành cho rằng một số trường hợp vẫn cần phải tiến hành trực tiếp trên thực địa, phải đi lại xuyên quốc gia để giữ nhịp hoạt động sản xuất. Các công ty trong ngành công nghiệp ô tô, điện tử, chế tạo chíp luôn cần những kỹ sư cao cấp di chuyển qua các trung tâm kiểm định, phòng thí nghiệm ở các nước khác để hiệu chỉnh dây truyền sản xuất theo thời gian thực. Các công ty đa quốc gia cũng thường phái nhân viên cao cấp từ nước sở tại sang nước bản địa để giám sát quy trình sản xuất tại các cơ sở ở nước ngoài, dù các cơ sở này sử dụng phần lớn lao động địa phương.
Tuy Hàn Quốc và Singapore đã đồng ý sơ bộ với đề xuất của Trung Quốc, nhưng hiện chưa rõ khi nào các biện pháp nới lỏng mới được thực thi. Tại cuộc điện đàm truyền hình hôm 17/4, các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc và Hàn Quốc đồng ý thiết lập “luồng xử lý nhanh” đối với giới điều hành doanh nghiệp và nhân sự kĩ thuật cấp cao của cả hai bên.