Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng Washington "đã thể hiện sự coi thường đối với những kháng nghị nghiêm túc" của Bắc Kinh về vụ bà Mạnh Vãn Chu. Ông nêu rõ: "Chúng tôi đề nghị Mỹ ngay lập tức rút lại lệnh bắt giữ đối với bà Mạnh Vãn Chu và ngừng việc đưa ra các yêu cầu dẫn độ như vậy".
Cùng ngày, tập đoàn Huawei đã bác bỏ mọi liên quan tới các vụ tấn công bị giới chức Mỹ cáo buộc gần đây. Trên mạng xã hội Twitter, Huawei khẳng định tập đoàn hay các công ty con đều không có bất cứ hành vi nào vi phạm luật pháp Mỹ như được nêu ra trong mỗi cáo trạng.
Huwei cũng không nhận thấy bà Mạnh Vãn Chu có hành vi sai trái, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng các tòa án Mỹ cuối cùng sẽ đưa ra kết luận giống nhau.
Trước đó một ngày, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố hai bản cáo trạng với tổng cộng 23 cáo buộc chống lại Huawei, các công ty con của tập đoàn này cũng như Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu. Trong số này có các cáo buộc về đánh cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt, thông báo lừa dối chính phủ liên bang Mỹ và cản trở pháp lý.
Huawei là nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các thiết bị thông tin hàng đầu thế giới, trong đó có mạng không dây thế hệ mới 5G. Huawei đã đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ này, chủ yếu cạnh tranh với hãng Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan. Tuy nhiên, Mỹ, Anh và nhiều nước khác đã cảnh báo về các nguy cơ an ninh từ công nghệ của Huawei, điều mà Huawei luôn bác bỏ.
Tháng 12/2018, cảnh sát Canada đã bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, cũng là con gái của nhà sáng lập tập đoàn này, theo đề nghị truy nã của Mỹ. Trung Quốc cáo buộc Washington "hành xử kiểu bắt nạt" sau khi chính quyền Mỹ xác nhận các kế hoạch tìm cách dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ xét xử.
Trong diễn biến mới nhất, Đài CBC của Canada đưa tin ngày 28/1, Bộ Tư pháp nước này xác nhận đã nhận được đề nghị dẫn độ chính thức từ phía Mỹ đối với bà Mạnh Vãn Chu.