Các chuyên gia Trung Quốc đề xuất nên đưa vào sách giáo khoa những bằng chứng được ghi trong văn chương dưới thời nhà Thanh (1644-1911) về việc Trung Quốc phát hiện quần đảo Điếu Ngư (Tokyo gọi là Senkaku).Peng Ling, một chuyên gia về sách cổ thuộc Hiệp hội những người sưu tầm Trung Quốc, cho rằng quần đảo Điếu Ngư đã thuộc về Trung Quốc kể từ thời cổ đại và Bắc Kinh phải có trách nhiệm để thế hệ trẻ được biết về sự thật lịch sử. Ông Peng nói: "Chính phủ Nhật Bản luôn phớt lờ sự thật và cơ sở luật pháp, thậm chí họ còn có xu hướng áp đặt những sự thật sai trái lên các thế hệ tương lai của họ".
Quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bằng chứng, do học giả Qian Yong triều đại nhà Thanh ghi chép, miêu tả chuyến đi đến Điếu Ngư của Shen Fu (một nhà văn và họa sĩ) cùng các quan lại vào năm 1808 trong giai đoạn trị vì của Hoàng đế Gia Khánh (1796-1820). Như vậy, tài liệu này được ghi vào thời điểm sớm hơn 76 năm so với mốc năm 1884 khi Nhật Bản tuyên bố họ tìm thấy quần đảo này.
Fu Xuancong, Giám đốc trung tâm nghiên cứu văn học kinh điển thuộc Đại học Thanh Hoa, phân tích: "Bản viết tay của Qian Yong chứng minh cho thế giới thấy ít nhất vào năm 1808, quần đảo Điếu Ngư đã nằm trong vùng lãnh hải của Trung Quốc, cách đường biên giới Nhật Bản khi đó khoảng 1 ngày hải trình".
Đề xuất trên được đưa ra sau khi chính phủ Nhật Bản hôm 4/4 đã phê chuẩn nội dung sách giáo khoa, trong đó khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp này.
T.N (theo THX)