Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tuy nhiên, một số nhà nhân khẩu học đã đặt câu hỏi về hiệu quả của đề xuất cho phép người dân kết hôn sớm hơn. Họ cho biết xu hướng kết hôn muộn sẽ tiếp diễn khi quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng và những người trẻ ngại kết hôn vì chi phí chăm sóc con cái tăng cao.
Theo báo cáo về Hôn nhân và Gia đình Trung Quốc năm 2022 của Viện Nghiên cứu Dân số YuWa, số lượng người đăng ký kết hôn lần đầu ở nước này đã giảm gần 50%, từ mức cao nhất 23,58 triệu người vào năm 2013 xuống còn 12,28 triệu người vào năm 2020. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng này có thể khiến tỷ lệ sinh thậm chí còn giảm xuống mức thấp hơn trong những năm tới.
“Nếu dựa trên ước tính khoảng thời gian trì hoãn sinh con từ 1 đến 3 năm sau khi kết hôn, số lượng ca sinh trong vài năm tới có thể sẽ thấp hơn nhiều so với con số 10,62 triệu ca của năm 2021. Khi tỷ lệ kết hôn giảm, số lượng các cuộc hôn nhân cũng sẽ tiếp tục giảm trong vài năm tới”.
Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), vào năm 2021, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm 11,5% so với năm trước đó. Cụ thể, số ca sinh đã giảm từ 12 triệu ca vào năm 2020 xuống còn 10,62 triệu ca vào 5 năm trước đó. Tổng số dân Trung Quốc chỉ tăng khoảng 480.000 người lên 1,4126 tỉ người vào năm 2021.
Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2021. Theo dữ liệu, nước này chỉ ghi nhận 7,63 triệu cặp đôi đăng ký kết vào năm 2021, con số ít nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1986.
Báo cáo mới của YuWa cho rằng giới chức Trung Quốc nên giảm độ tuổi kết hôn tối thiểu, cùng với đó là các chi phí sinh con, nuôi dạy con cái và giáo dục. Biện pháp này có thể giúp tăng tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh. Đề xuất cũng kêu gọi nhà chức trách nên nới lỏng các yêu cầu về việc nhận con nuôi, bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ độc thân và tiến hành nghiên cứu về luật sống thử ở Trung Quốc.
Vào những năm 1950, Trung Quốc chỉ cho phép phụ nữ kết hôn khi đủ 18 tuổi và nam giới 20 tuổi. Nhưng đến năm 1980, quốc gia này đã nâng độ tuổi kết hôn tối thiểu lên 20 đối với phụ nữ và 22 đối với nam giới. Đây là một phần của chính sách 1 con kéo dài hàng thập kỷ giúp kiểm soát tình trạng gia tăng dân số của đất nước. Chính sách gây tranh cãi này đã được thực hiện đến năm 2016. Sau đó, Bắc Kinh chuyển sang áp dụng chính sách 2 con kéo dài đến năm ngoái. Tuy nhiên, độ tuổi kết hôn tối thiểu vẫn không thay đổi.
Mặc dù đây không phải lần đầu Trung Quốc đối mặt với lời kêu gọi giảm độ tuổi kết hôn tối thiểu giúp tăng tỷ lệ sinh, nhưng các nhà nhân khẩu học cho biết xu hướng người trẻ trì hoãn việc kết hôn khó có thể bị đảo ngược, ngay cả khi cả nữ giới và nam giới được phép kết hôn sớm hơn.
Giáo sư Peng Xizhe tại Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) cho biết ông không nghĩ rằng việc giảm độ tuổi kết hôn sẽ thuyết phục nhiều người trẻ sinh con hơn. Ông nói: “Biện pháp giảm độ tuổi kết hôn tối thiểu để tăng tỷ lệ sinh là điều khó khăn. Chúng ta yêu cầu phụ nữ kết hôn sớm chỉ để gia tăng dân số, điều này có nghĩa là chúng ta vẫn coi phụ nữ là cỗ máy sinh đẻ”.
Ông Peng cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lao động nhập cư có xu hướng kết hôn ở độ tuổi lớn hơn sau khi chuyển đến các thành phố lớn để tìm việc làm. Theo truyền thống, cư dân nông thôn thường kết hôn sớm hơn cư dân thành thị. Ông cho biết thêm: “Làn sóng lao động nhập cư tràn vào các thành phố cũng làm gia tăng độ tuổi kết hôn ở các vùng nông thôn. Nếu họ chuyển đến các thành phố lớn để tìm việc làm và quyết định học đại học, kế hoạch kết hôn của họ cũng sẽ thay đổi. Tình trạng trì hoãn kết hôn ngày càng gia tăng cũng phản ánh rằng xã hội đang trở nên tiến bộ hơn”.
Ông Yuan Xin, Phó chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc, Giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Nam Đài (Thiên Tân), cho rằng việc nới lỏng các quy định nhận con nuôi và hạ độ tuổi kết hôn đều là những vấn đề pháp lý, không liên quan trực tiếp đến tỷ lệ sinh. Theo ông, chính sách 3 con trên thực tế không có tác dụng thay đổi tỷ lệ sinh thấp. Nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ sinh thấp là do sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay.
Báo cáo của YuWa được đưa ra trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới đang phải vật lộn để gia tăng tỷ lệ sinh trong bối cảnh dân số già đi. Năm ngoái, chính quyền nhiều địa phương đã bắt đầu áp dụng một loạt chính sách mới đối với phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, bao gồm giảm thuế, tăng thời gian nghỉ phép và trợ cấp cho các cặp vợ chồng sinh thêm con.
Trong nỗ lực mới nhất, hôm 28/3, Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm thuế cho các khoản chi phí nuôi dưỡng trẻ em dưới 3 tuổi. Những bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ sẽ đủ điều kiện sẽ được giảm 1.000 nhân dân tệ tiền thuế/tháng/trẻ em, bắt đầu từ năm nay.