Theo tờ Wall Street Journal ngày 25/7, Trung Quốc đang định vị mình là nhà trung gian hòa bình trong các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên với Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra năm 2022.
Theo đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc hôm 24/7 để đàm phán trong nhiều giờ trong chuyến thăm cấp cao đầu tiên của ông tới Bắc Kinh kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, và trong bối cảnh Kiev tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh để chấm dứt xung đột.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhắc lại lời kêu gọi của Bắc Kinh về một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến trong cuộc gặp tại thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, người cho biết Kiev sẽ đàm phán khi Moskva sẵn sàng tham gia một cách thiện chí. "Hiện tại, chưa quan sát thấy phía Nga có sự sẵn sàng nào như vậy", ông Kuleba nói.
Ngược lại, người phát ngôn của Điện Kremlin trả lời rằng Nga luôn duy trì cởi mở đối với quá trình đàm phán.
Những nỗ lực khởi động đối thoại giữa Nga và Ukraine đã bị chững lại trong cuộc chiến làm đảo lộn an ninh châu Âu và gây ra cú sốc giá hàng hóa trên toàn thế giới. Một số quốc gia đã tìm cách làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình, bắt đầu với Thổ Nhĩ Kỳ trong những tuần sau khi giao tranh nổ ra vào tháng 2/2022.
Trung Quốc đã liên tục kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine và đưa ra kế hoạch hoà bình với Brazil vào tháng 5 năm nay về việc giải quyết xung đột. Nhưng cuộc đàm phán ở Quảng Châu diễn ra sau khi Tổng thống Zelensky công khai chỉ trích Trung Quốc trong chuyến thăm Singapore vào tháng trước, cáo buộc Bắc Kinh "vận động các nước tẩy chay" hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ, nơi Ukraine tìm cách gây áp lực lên Nga để chấm dứt giao tranh theo các điều khoản của Kiev. Bắc Kinh nhấn mạnh rằng bất kỳ hội nghị hòa bình nào cũng phải được cả Ukraine và Nga ủng hộ, nhưng Moskva đã không được mời.
“Điều tốt nhất mà Ukraine có thể hy vọng là hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc”, Lucian Kim, một nhà phân tích cấp cao của Ukraine tại International Crisis Group cho biết.
Theo mô tả về cuộc họp hôm 24/7 tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị lưu ý: “Trung Quốc tin rằng mọi xung đột phải được giải quyết bằng cách quay lại bàn đàm phán, và mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị. Gần đây, phía Nga và Ukraine đã, ở các mức độ khác nhau, ra hiệu rằng họ sẵn sàng đàm phán”.
Đối với Ukraine, cuộc đàm phán ở Trung Quốc cũng như tín hiệu về đàm phán với Nga diễn ra khi những câu hỏi ngày càng tăng về việc Washington có tiếp tục hỗ trợ cho Kiev hay không nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Ông Trump đã không trả lời trực tiếp câu hỏi về việc liệu Mỹ có cắt giảm tài trợ cho Ukraine hay không trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News được phát sóng vào tối 23/7. Ông lặp lại tuyên bố của mình rằng Nga sẽ không tấn công Ukraine nếu ông vẫn còn tại nhiệm. Ông đã nói với Tổng thống Zelensky trong một cuộc điện đàm vào tuần trước: "Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến này".
Đến nay, Bắc Kinh đang tìm cách thể hiện mình là nhà trung gian hoà bình toàn cầu. Tuần này, Trung Quốc cũng đã tổ chức một cuộc họp giữa các phe phái đối địch của Palestine, bao gồm cả Hamas và Fatah, vốn đã tách biệt nhau trong nhiều năm. Đại diện của 14 nhóm ở Palestine đã ký một thỏa thuận hướng tới thống nhất và thành lập một chính phủ hòa giải lâm thời.
Tại sự kiện, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã đề xuất cách tiếp cận 3 bước để giải quyết vấn đề Palestine: Bước đầu tiên là thúc đẩy lệnh ngừng bắn toàn diện, lâu dài và bền vững ở Dải Gaza càng sớm càng tốt. Bước thứ hai là duy trì nguyên tắc “người Palestine quản lý Palestine” và cùng nỗ lực thúc đẩy quản trị hậu chiến ở Gaza. Bước thứ ba là thúc đẩy Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc và bắt đầu thực hiện giải pháp hai nhà nước.