Feng Peixin, một chuyên gia thuộc công ty tìm kiếm nhân lực cho các ngân hàng tư nhân và dược phẩm có trụ sở tại Bắc Kinh, đã đề cập đến việc thị trường việc làm Trung Quốc vẫn chìm trong tình cảnh ảm đạm trong năm nay.
Ông Feng cho biết: “Trước đây, mức tăng lương khi chuyển đổi công việc sẽ ít nhất là 20 đến 30% đối với quản lý cấp cao. Nhưng giờ đây, mức lương không đổi, thậm chí bị cắt lương đã trở thành thông lệ”.
Giải thích cho tình trạng này, ông cho rằng một phần là do những lo ngại của người lao động về việc mất việc làm, khiến họ có xu hướng chọn một công việc với mức lương vừa phải, thậm chí thấp hơn mặt bằng chung với mong muốn ổn định lâu dài.
Ông Feng cũng cảnh báo rằng năm 2024 tình hình cũng không sáng sủa hơn và vẫn chưa có giải pháp cho thị trường lao động.
Trong khi đó, sự bất ổn của tình hình quốc tế cũng dẫn tới doanh thu sụt giảm và kéo theo đó là cắt giảm việc làm. Việc bán hàng sang thị trường Mỹ và châu Âu đã trở thành một thách thức thực sự, vì vậy giờ đây các công ty Trung Quốc chỉ còn lại thị trường ở Đông Nam Á và các quốc gia lân cận, nhưng sức mua thấp.
Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục gặp khó khăn, thậm chí là khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư sụt giảm, triển vọng xuất khẩu không chắc chắn và căng thẳng địa chính trị, các công ty gặp khó khăn về tài chính trên cả nước đã buộc phải cắt giảm lực lượng lao động.
Theo Zhilian Zhaopin, một nền tảng tuyển dụng trực tuyến ở Trung Quốc, mức lương trung bình hàng tháng tại thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 1,3% trong quý 4 năm ngoái, đánh dấu mức giảm hàng quý lớn nhất kể từ năm 2016.
Cui Ernan, nhà phân tích của Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô có trụ sở tại Trung Quốc, chia sẻ rằng vấn đề hiện tại là số lượng lớn các công ty tư nhân phá sản. Việc những công ty khởi nghiệp thất bại cũng khiến người lao động thất nghiệp, tạo ra một môi trường việc làm không ổn định.
Giới chuyên gia cho rằng quý 1/2024 đang có xu hướng xấu đi so với năm ngoái, do áp lực suy thoái kinh tế, đặc biệt là từ cuộc khủng hoảng bất động sản trong nước, tiếp tục khiến thị trường trở nên trầm trọng hơn và vẫn chưa thấy dấu hiệu ổn định. Do vậy, vẫn chưa chắc chắn liệu thị trường việc làm có thể phục hồi trong những quí còn lại của năm hay không.
Chính phủ Trưng Quốc đã và đang có những nỗ lực đáng kể để ổn định thị trường, thực hiện nhiều biện pháp kích thích khác nhau. Nếu tác động tổng hợp của các chính sách này mang lại kết quả rõ ràng thì sự ổn định kinh tế không phải là hoàn toàn không thể tin được và vẫn còn một tia hy vọng.
Để thúc đẩy nhu cầu việc làm, cần có các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn, trong đó có thể triển khai những biện pháp bao gồm việc nới lỏng các hạn chế mua bất động sản, cũng như các chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng hơn, hoặc cắt giảm lãi suất hơn nữa.
Một tác động dây chuyền khác của thị trường việc làm trầm lắng ở Trung Quốc là các dịch vụ tuyển dụng cũng bị cắt giảm và sa thải nhân sự.
Theo dữ liệu từ Qichacha, một trong những nhà điều hành cơ sở dữ liệu doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc, số lượng công ty mới thành lập cung cấp các dịch vụ liên quan đến nhân sự và "săn đầu người" đã giảm xuống còn 5.800 vào cuối năm ngoái giảm nhiều so với 41.200 vào năm 2019 và 25.100 vào năm 2020.
Trong khi đó, sự gia tăng số lượng người lao động đảm nhận công việc tự do và việc làm “linh hoạt”, thay vì các vị trí toàn thời gian, càng phản ánh sự thay đổi mang tính địa chấn trong bối cảnh việc làm bấp bênh của Trung Quốc.
Theo Zhilian Zhaopin, những nhân viên tiềm năng đang tìm kiếm công việc linh hoạt chiếm 23,2% tổng số người tìm việc trong quý đầu tiên năm ngoái – tăng từ 18,6% trong quý đầu tiên năm 2020.
Dữ liệu đó tương ứng với hiện thực ngày càng phổ biến về việc những sinh viên tốt nghiệp có trình độ học vấn cao làm tài xế taxi và tài xế giao hàng.
Li Qiang, Phó Chủ tịch Zhilian Zhaopin cho biết: “Trong thời điểm kinh tế bất ổn, do thị trường việc làm không có nhiều cơ hội, các cá nhân phải đối mặt với áp lực có xu hướng lựa chọn công việc chuyển tiếp cho đến khi họ có thể đảm bảo được vị trí toàn thời gian trong lĩnh vực họ mong muốn".
Các dự báo đưa ra vào năm 2024, thị trường việc làm sẽ phải đối mặt với áp lực, vì mọi người không chỉ tìm cách giải quyết những mối lo ngại về sự sống còn mà người tìm việc còn muốn có những vị trí ưng ý và phù hợp.
Năm nay, con số kỷ lục là 11,79 triệu sinh viên đại học dự kiến sẽ tốt nghiệp và điều này sẽ càng làm tăng thêm tính cạnh tranh trên thị trường việc làm vốn đã đông đúc.
Mặc dù ngày càng nhiều người trong số sinh viên mới ra trường sẽ lựa chọn tiếp tục nghiên cứu học thuật để có bằng cấp cao hơn nhưng những người quyết định tìm việc ngay sau tốt nghiệp có thể phải đối mặt với tình trạng giảm nhu cầu tuyển dụng nhân viên vì các công ty đang gặp khó khăn phân bổ số lượng nhân sự hạn chế cho những người đã có kinh nghiệm.
Ông Feng cho biết: “Trước đây, sinh viên mới tốt nghiệp sẽ được cung cấp các vị trí đầu vào để được đào tạo và học hỏi, nhưng điều đó không còn nữa – các công ty muốn những người đã có kinh nghiệm và có thể đưa ra các giải pháp thực tế”.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi từ 16 đến 24 đã tăng chóng mặt. Các nhà phân tích cho rằng các vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết do không có những cải thiện kinh tế đáng kể và sự thay đổi về tâm lý.
Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong nước, kết hợp với xu hướng ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc vươn ra toàn cầu, ngày càng nhiều người tìm việc lựa chọn tìm việc làm ở nước ngoài.
Theo một báo cáo do trang tuyển dụng nhân sự Liepin công bố vào cuối năm ngoái, việc làm mới được đăng ở khu vực nước ngoài đã tăng 44,4% trong nửa đầu năm 2023, so với cùng kỳ năm 2022.
Đồng thời, số người tìm việc xin việc ở nước ngoài cũng tăng 92,9% trong nửa đầu năm ngoái.