Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini đã gặp gỡ và trao đổi quan điểm về tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và một loạt các hội nghị khác được tổ chức tại Manila (Philippines).
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (ảnh phải) và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini (ảnh trái). Ảnh: THX/TTXVN |
Trong cuộc gặp, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) liên quan đến vấn đề Triều Tiên cần phải được thực hiện một cách đầy đủ và toàn diện. Ông Vương Nghị nhấn mạnh tới đề xuất "2 chiều" của Trung Quốc, trong đó yêu cầu Triều Tiên đình chỉ chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn. Điều này sẽ giúp giải quyết những quan ngại cấp bách nhất về an ninh của các bên, chấm dứt vòng luẩn quẩn trong tình hình hiện nay, mang lại bước đột phá trong công tác đàm phán hòa bình.
Về phần mình, bà Mogherini cho rằng EU và Trung Quốc đã hợp tác tốt trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran và hy vọng có thể rút ra được những kinh nghiệm quý giá trong công tác đàm phán. Bà Mogherini cũng bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin, nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đã kêu gọi các nước Đông Á tăng cường hợp tác an ninh, đặc biệt là trước những thách thức an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và thảm họa thiên nhiên. Ông Vương Nghị cho rằng đối thoại giữa các nước trong vấn đề an ninh là vô cùng quan trọng, nhờ đó có thể loại bỏ những sự hiểu nhầm và những tính toán sai lầm, đồng thời tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, các diễn đàn an ninh khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) cùng một số cơ chế hợp tác khác cần phải được cải thiện và cập nhật nhằm tăng tính hiệu quả.